Người để cử là chính trị gia 26 tuổi Snorre Valen, đại biểu Quốc hội của Na Uy. Sau khi đề cử, ông viết trên trang blog của mình WikiLeaks đã phơi bày những bê bối, tham nhũng, tội ác chiến tranh, hành vi tra tấn con người trên khắp thế giới.
Ông ví thành tích bảo vệ nhân quyền của WikiLeaks giống như thành tích của ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải năm ngoái.
Một phát ngôn viên của WikiLeaks nói rằng tin này đến với họ vừa bất ngờ vừa sung sướng.
Ông Kristian Berg Harpviken, chuyên viên theo dõi các giải Nobel Hòa bình tại Viện Hòa bình ở Oslo nói ông không ngạc nhiên trước tin này, và nghĩ rằng WikiLeaks sẽ được thêm phiếu bầu chọn:
“WikiLeaks đứng đầu sổ các tin quốc tế hàng đầu từ 12 tháng qua. Nó còn vượt trên các loại tin tức thông thường. Thực vậy, đây là một hiện tượng độc đáo về thông tin. WikiLeaks là một ứng cử viên sáng giá, nhưng tôi không nghĩ rằng WikiLeaks sẽ trúng giải bởi vì các thông tin được tiết lộ đe dọa mạng sống của nhiều người.”
Ông tin đến ngày bình chọn sẽ xảy ra nhiều tranh cãi:
“Một giải có uy tín như thế này chắc chắn sẽ bị cánh hữu của đảng Cộng hòa Mỹ chỉ trích vì họ xem WikiLeaks và Julian Assange là những tội phạm, thậm chí còn xem là khủng bố. Do đó, trong tiến trình chọn lựa, ta không thể xem nhẹ thành phần này.”
Nhưng ủy ban trao giải Nobel không phải là hạng tránh né những chuyện tranh cãi. Bằng chứng họ đã trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba và Tổng thống Obama giữa những lời nói ra nói vào.
Giải Nobel Hòa bình sẽ được loan báo vào tháng 10.
Trang mạng WikiLeaks đã được đề cử giải Nobel Hòa bình 2011. Người đề cử nói rằng khi những người chủ trang này tiết lộ các công điện mật, họ đã giúp thăng tiến hòa bình thế giới.