Nông dân Ấn ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu

Your browser doesn’t support HTML5

Các nông gia tại một số bang của Ấn Độ đang áp dụng các ứng dụng nông nghiệp mới để bảo vệ mùa màng trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu. Thông tín viên Anjana Pasricha đã đến thăm một ngôi làng ở bang Haryana phía Bắc để xem những ứng dụng thông minh giúp ứng phó với biến đổi khí hậu giúp nông dân đối phó với tình trạng thất thường của thời tiết ra sao, chẳng hạn như mưa quá nhiều hoặc quá ít, nhiệt độ tăng cao và những đợt gió lạnh trái mùa.

Khảo sát các cánh đồng tươi tốt của mình, nông dân trong làng Beernaryana lạc quan tin tưởng sẽ gặt hái được một mùa bội thu cho dù đang bị thiếu mưa.

Trong nhiều thập kỷ qua, ông Ishwar Dayal từng trồng lúa vào mùa hè và lúa mì vào mùa đông. Tuy nhiên, ông đã phải từ bỏ mô hình canh tác lâu đời này và bây giờ đang trồng mùa vụ bắp trên gần một nửa trang trại rộng 14 ha của mình để vượt qua tình trạng hay có những cơn mưa lớn bất thường và đất bị suy giảm độ phì nhiêu.

Ông Ishwar nói: "Lúa và lúa mì hút nhiều dưỡng chất trong đất. Bắp thì cần độ ẩm trong đất ít hơn, nên việc tưới nước không còn là trở ngại và đất của tôi giờ đang tốt lên. "

Trong 27 làng ở Haryana, bang có nền nông nghiệp phát triển, nhiều nông dân đang sử dụng các kỹ thuật thông minh ứng phó với khí hậu theo sáng kiến do nhóm nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực ở Ấn Độ phát triển.

Ông Inderjit Singh Mann đang áp dụng gieo hạt giống trực tiếp trên đồng thay vì cấy mạ từ các vườn ươm ngập nước. Kỹ thuật này vừa giúp tiết kiệm nước lẫn chi phí lao động.

Ông Inderjit cho biết: "Gieo hạt trực tiếp giúp nước thấm nhanh vào đất. Lúa mì được trồng theo cách này phát triển tươi tốt hơn. Điều đó rất quan trọng đối với người nông dân."

Gọi biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa chính đối với nông nghiệp, ông M.L. Jat, điều phối viên của sáng kiến này tại khu vực Nam Á, cho biết tiết kiệm nước trong lúc nhiệt độ toàn cầu gia tăng đã trở thành việc làm cấp thiết.

Ông M.L. Jat nói: "Nguồn nước đang dần cạn kiệt vì vậy chúng ta sẽ không có nhiều nước và mỗi một độ tăng lên là phải cần thêm 10% nước để đối phó với nguy cơ nhiệt độ tăng cao."

Để đảo ngược thiệt hại trên diện rộng cho đất và mùa màng do phun xịt các loại phân bón bừa bãi, nông dân sử dụng một dụng cụ gọi là ‘máy dò tìm xanh’ để đánh giá chính xác hàm lượng nitơ trong đất.

Ba năm sau khi bắt đầu áp dụng các kỹ thuật chống chọi với khí hậu như vậy, ông Ishwar Dayal đã xử lý thành công vấn đề giảm năng suất.

Ông nói: "Năng suất của tôi đã tăng 15% còn chi phí thì giảm. Chúng ta không thể thay đổi thời tiết, nhưng chúng ta có thể thay đổi mô hình canh tác."

Hy vọng đặt ra hiện nay là mở rộng diện tích nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật thông minh đáp ứng với biến đổi khí hậu ra khắp cả nước vì nông dân đã bắt đầu hiểu rằng những kỹ thuật này là hết sức quan trọng.