Trồng rau sạch, từ cải ngồng cho đến bắp su, su hào, xà lách, rau muống, cà chua, cà tím... và một số loại cây được xếp vào diện cao sản như mía tím, hoa anh đào để bán Tết, đó là tất cả những gì mà người nông dân vùng cao Đông Bắc Việt Nam có thể làm được để tồn tại.
Thời tiết vùng này khắc nghiệt, một ngày có bốn mùa đi qua rõ rệt. Buổi sáng mùa Xuân, buổi trưa mùa Hạ, buổi chiều mùa Thu và đêm xuống thì mùa Đông hoành hành, lạnh cắt da cắt thịt, có khi xuống dưới 0 độ. Ngược lại, ban ngày, buổi trưa thì nóng cháy lửa. Với thời tiết thất thường như vậy, việc trồng cây hay chăn nuôi là điều hết sức khó khăn.
Ở đây thì trồng cây mía là chủ lực nhưng cũng vất vả lắm vì một năm mới thu hoạch cây mía. Mà bán cũng khó lắm, có nhiều người vác đi khắp Lạng Sơn để bán mà vẫn không được gì. Nói chung là đầu ra không có.Chị Lê Thị Hiện
Bà Lò Thị Hồ, bán rau ở Đồng Đăng, Lạng Sơn, chia sẻ với VOA: “Mình trồng rau thì phải lên giồng, cắt ngọn, có loại thì cho lên giàn. Nhà nông vất vả lắm, thu nhập mỗi ngày được vài chục ngàn. Như rau ngoài chợ chỉ bán được tám ngàn mỗi ký thôi.”
Cây rau sạch vùng Đông Bắc tồn tại như một sự thách thức về chủ quyền lãnh thổ nhiều hơn là sản phẩm nông nghiệp thuần túy. Và có thể nói rằng hầu hết đời sống của người nông dân nơi đây đều khó khăn, nghèo khổ. Những gia đình sống ở thị trấn, không có đất thì dùng các loại hộp, thùng xốp để trồng rau sạch. Người nông dân tranh thủ những khoảnh ruộng bậc thang nhỏ nhoi để trồng rau sạch. Trồng rau sạch quanh những gốc hoa anh đào gọi là lấy ngắn nuôi dài. Thường thì người nông dân tự chở rau ra thị trấn để bán lẻ, bởi nếu bán giá sỉ, rau sạch sẽ không có chỗ đứng so với rau Trung Quốc có giá thành rẻ, hình thức bắt mắt.
Mình trồng rau thì phải lên giồng, cắt ngọn, có loại thì cho lên giàn. Nhà nông vất vả lắm, thu nhập mỗi ngày được vài chục ngàn. Như rau ngoài chợ chỉ bán được tám ngàn mỗi ký thôi.Bà Lò Thị Hồ
Hầu hết người nông dân vùng Đông Bắc đều không có nhiều ruộng. Những thửa ruộng bậc thang manh mún, đầy hoa cỏ dại. Mùa mưa thì ngập nước suốt ba đến bốn tháng, mùa nắng thì không khốc, hầu như khó có giống cây nào trụ nổi trên loại đất như thế này. Việc trồng một luống cà chua hay một vồng su bắp cải, cải ngồng là một sự cố gắng vượt bậc. Một số người có vốn thì trồng mía tím để bán cho khách du lịch. Suốt một năm dài đằng đẵng, cả một vườn mía chỉ thu hoạch trong nửa tháng bằng cách bán lẻ trên đường quốc lộ. Mía và hoa anh đào là nguồn thu nhập chủ lực của nông dân nơi đây.
Chị Lê Thị Hiện, Nà Sầm, Lạng Sơn, cho biết: “Ở đây thì trồng cây mía là chủ lực nhưng cũng vất vả lắm vì một năm mới thu hoạch cây mía. Mà bán cũng khó lắm, có nhiều người vác đi khắp Lạng Sơn để bán mà vẫn không được gì. Nói chung là đầu ra không có. Có người thì mang ra đường cái để bán lẻ, cây nào đẹp lắm, ngon lắm mới được 12 ngàn đồng.”
“Trồng đào thì ít thôi, vì còn phải để tiền mà nuôi gà. Mà đất ở đây xấu quá nên trồng cũng bị chết nhiều, trồng mười cây có khi còn có hai cây thôi. Nói chung là khó lắm, đất xấu quá,” một cư dân khác tên Trần Văn Côn than thở.
Thời tiết khắc nghiệt, đất đai nhỏ lẻ và hàng hóa, nông sản Trung Quốc liên tục đổ bộ ‘lấn sân’. Tất cả như một thử thách và sức ép đối với người nông dân Lạng Sơn và nông dân vùng Đông Bắc.