Một khuôn mặt quen thuộc chào đón khán giả Bắc Triều Tiên mỗi đêm khi họ vặn đài lên để nghe tin tức truyền hình.
Một người đàn bà lớn tuổi, mặc trang phục cổ truyền Triều Tiên màu hồng, cúi chào trước khi nói. Đó là bà Ri Chun Hee, người xuất hiện trước mỗi chương trình phát tin.
Biệt tài của bà Ri là nói về Lãnh Tụ Kim Jong Il thân yêu. Bà tường trình về mỗi lần xuất hiện trước công chúng của ông ta, mỗi lời chỉ dạy tại chỗ mà ông thốt ra và đọc những câu nói ca tụng cho rằng ở nước ngoài nói về ông.
Một tạp chí đăng tiểu sử của bà Ri nói rằng bà sinh năm 1943, từng làm việc với tư cách phóng viên trong gần 40 năm và được chính ông Kim Jong Il ban tặng một ngôi nhà sang trọng và một chiếc xe.
Theo một phát ngôn viên thuộc Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên, bởi lẽ Ri không phải là một khuôn mặt chính trị, chính phủ Seoul không biết gì nhiều về bà ta.
Nhưng ông Brian Myers, một phân tích gia Bắc Triều Tiên tại Trường đại Học Dongseo tại Busan, nói rằng tại Bắc Triều Tiên chẳng phải ai cũng có thể trở thành người điều phối tin tức.
Ông Myers nói: “Rõ ràng anh phải có thành tích tốt về ý thức hệ và gốc gác gia đình tốt mới có thể gia nhập làng báo chí.”
Tuy nhiên, Myers nói rằng Ri là một trường hợp ngoại lệ, bởi vì bà được đào luyện như một nữ diễn viên trước khi gia nhập làng báo. Tuy nhiên, ông nêu ra rằng có lẽ đó lại là lợi điểm của Ri, nếu xét về tính cách tin tức tại Bắc Triều Tiên .
Ông Myers nhận định: “Toàn bộ chương trình phát thanh tin tức tại Bắc Triều Tiên là những chuyện dàn dựng và nhiều kịch tính còn hơn cả tại Liên Xô cũ nữa”.
Tin tức luôn luôn ca ngợi chính quyền Bình Nhưỡng, và hạ thấp các chính phủ nước ngoài. Các bản tin không hề đề cập tình hình kinh tế thấp kém của Bắc Triều Tiên hoặc tình hình nhân quyền tồi tệ tại đó.
Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu cho thấy khán thính giả Bắc Triều Tiên đã nhận thức được tính cách tuyên truyền trong tin tức.
Ông Jin Seong Rak đào tỵ sang Nam Triều Tiên vào năm 2008 kể lại:
“Ai cũng nói là anh chỉ cần xem TV trong một tuần là sẽ không bao giờ cần xem nữa, bởi vì mọi chuyện đều là được nhắc đi nhắc lại.”
Chính Jin bây giờ là một ký giả tại một đài phát thanh ở Hán Thành mà nhân viên phần đông là người Bắc Triều Tiên. Họ phát tin trở lại quê hương họ.
Nhưng Jin và đồng nghiệp của ông không biết rằng đài truyền hình Bắc Triều Tiên thật sự có bao nhiêu khán thính giả.
Ông Kim Eun Ho, ký giả đào tỵ đã trốn sang Nam Triều Tiên hồi năm ngoái, nói rằng rõ ràng người dân Bắc Triều Tiên đã mất niềm tin vào ngành truyền thông của nhà nước.
Ông Kim nói: “Tại Bắc Triều Tiên , chính quyền Kim Jong Il và các chính đảng luôn luôn nói rằng sẽ có đời sống tốt đẹp. Họ nói như thế từ nhiều thập niên. Nhưng bởi lẽ chẳng có gì thay đổi nên người ta không còn xem truyền hình và nghe radio nữa. Dân chúng không tin nữa.”
Bên cạnh những đài do những người đào tỵ thực hiện và các chương trình truyền thanh kiểu như đài VOA, truyền hình Bắc Triều Tiên còn bị cạnh tranh từ những phim ảnh và kịch bản nhập lậu từ Nam Triều Tiên.
Nhưng đối với Ri Chun Hee, phát thanh viên lâu đời của Bắc Triều Tiên, thì công việc của bà vẫn không ai tranh được.
Phần lớn các đài truyền hình Bắc Triều Tiên chỉ phát những kênh của nhà nước, và những ai nghe thông tin từ nước ngoài có thể làm mình và cả gia đình ngồi tù.
Ông Ri nói: “Cho nên, có vẻ như bao lâu mà Kim Jong Il còn trị vì tại Bắc Triều Tiên, những người như bà Ri Chun Hee sẽ vẫn ngồi đó để đọc những tin tức mới nhất.”
Bà Ri Chun Hee thường bắt đầu bằng những tin mới nhất về lãnh tụ Kim Jong Il.