Ông Kang Cheol-hwan và gia đình đã trải qua một thập niên lao động nặng nhọc trong một trại tù Bắc Triều Tiên trước khi họ được trả tự do. Lúc bước vào trại tù, ông chỉ mới lên 10 tuổi. Sau khi nghe các chương trình phát thanh nước ngoài, vốn được coi như một hình tội ở Nam Triều Tiên, ông Kang quyết định rời bỏ đất nước, hơn là bị tống trở lại vào trại lao động khổ sai.
Ông đến Trung Quốc sau khi bị công an biên phòng Bắc Triều Tiên và Trung Quốc rượt đuổi. Nhưng ông may mắn được sự giúp đỡ của một số người ở Trung Quốc. Ông kể tiếp:
“Tôi không thể nói đây là một mạng lưới. Tôi gặp một số người sau khi đã đến Trung Quốc. Tôi gặp những người Nam Triều Tiên, tôi đã gặp một số người Trung Quốc gốc Triều Tiên. Và bởi vì Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, khi tôi ẩn trốn tại các vùng thôn quê, họ không tìm thấy tôi.”
Ông Kim Kwang-jin là một chuyên viên ngân hàng, và do đó có cơ hội tìm một lối đi trực tiếp hơn ra khỏi Bắc Triều Tiên, khi ông đào thoát hồi năm 2003.
Ông hiện là một chuyên viên nghiên cứu tại Ủy ban Nhân quyền tại Bắc Triều Tiên, đặt trụ sở tại thủ đô Washington. Ông Kim nói rằng đối với phần lớn những người đào thoát như ông Kang, cuộc sống bên ngoài Bắc Triều Tiên sẽ rất khó khăn lúc ban đầu, và cần đến nhiều năm họ mới tìm được cảm giác an toàn thực sự:
“Tình trạng rất là khó khăn. Họ phải lưu lại trên lãnh thổ Trung Quốc, phải lẩn trốn tại đó trong nhiều năm. Và ngay cả sau đó, họ nên tới các nước Đông Nam Á hay Mông Cổ, trước khi tiếp tục cuộc hành trình đến Seoul. Thường thì những người đào tỵ cần nhiều năm trước khi có thể định cư tại một nơi an toàn.”
Hơn 18.000 người đào thoát Bắc Triều Tiên đang sinh sống ở Nam Triều Tiên, và bất chấp những kềm kẹp của công an miền Bắc và Trung Quốc, họ tiếp tục đến theo mức từ 2 đến 3.000 người một năm.
Bà Katy Oh, một nhà nghiên cứu nhiều kinh nghiệm tại Viện Brookings, nói rằng một số người thấy trốn khỏi Bắc Triều Tiên trong khi không có ai để ý, rồi tìm việc làm ở Trung Quốc trong khi chờ đợi thực hiện bước kế tiếp trong cuộc đào thoát, là một giải pháp có lẽ dễ thực hiện hơn:
“Điều đáng kinh ngạc nhất là đa số những người đào thoát giờ đây là phụ nữ. Độ 65 đến 70% những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên là phụ nữ.”
Bà nói có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng đó:
“Cơ bản người đàn ông là chủ gia đình. Thế cho nên khi người đàn ông mất tích, chẳng hạn như đã đào thoát sang Trung Quốc, và không bao giờ trở lại, thì gia đình đó được xếp loại vào hạng gia đình có “vấn đề.” Thế nhưng nếu một phụ nữ mất tung tích, thì chỉ được coi như một phụ nữ mất tích, hay chuyện một gia đình mất đi một thành viên, và do đó, hình phạt nhẹ hơn. Đó là yếu tố quan trọng nhất.”
Dần dà, ông King Cheol-hwan cũng tìm ra đường từ Trung Quốc tới Nam Triều Tiên. Ông kể tiếp:
“Cuộc sống tại Nam Triều Tiên là một cuộc sống rất mới mẻ đối với tôi. Cuộc sống này rất sung túc. Người dân có tự do và quyền bình đẳng được sống, do đó xã hội tiến bộ và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên cũng có một số khía cạnh, một số khác biệt. Hai miền của bán đảo Triều Tiên rất khác nhau. Đã có lúc tôi cảm thấy căng thẳng. Trước hết, tôi không hiểu làm sao mà người Nam Triều Tiên lại bị căng thẳng tinh thần, bởi vì họ được ăn uống đầy đủ, và có một cuộc sống tốt đẹp. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu được ý niệm về sự cạnh tranh, tôi cũng là một phần trong một công ty, cho nên tôi biết được nó phải cạnh tranh như thế nào. Tuy nhiên, tự do và dân chủ vẫn tốt đẹp hơn biết bao.”
Cả hai ông Kang Cheol-hwan và Kim Kwang- Jin tin rằng hai miền Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tái thống nhất, có thể chỉ trong vòng vài năm nữa.
Đối với nhiều người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, không phải người nào cũng có cuộc sống sung túc hơn ngay khi đặt chân đến bến bờ tự do.