Hôm 3/9, hàng trăm lao động Việt Nam bị mắc kẹt ở Ả-Rập Saudi được giải cứu về nước trên chuyến bay chở đội tuyển bóng đá Việt Nam, trong đó có các nạn nhân buôn người và lao động bị cưỡng bức.
Một thông cáo của tổ chức Liên minh Bài trừ Nô lệ Mới ở Á Châu (CAMSA) cho biết vào 6:30 sáng ngày 3/9, chuyên cơ của đội tuyển bóng đá Việt Nam cất cánh từ phi trường Riyadh của Ả-Rập Saudi đã chở thêm khoảng 190 lao động Việt cùng hồi hương.
Thông cáo của CAMSA cho biết trong số các lao động này có bà chị Đinh Thị Ca, 39 tuổi, quê ở Bình Định, người cho VOA biết trước đây rằng bà bị chủ đánh đập tàn tệ dẫn đến tổn thương mắt trong lúc làm người giúp việc ở Riyadh, ngoài ra bà cũng bị cưỡng hiếp nhiều lần.
XEM THÊM: Lời kêu cứu của các nữ lao động Việt Nam ở Saudi bắt đầu được chú ýMột video trên trang CAMSA cho thấy hàng trăm phụ nữ Việt vui mừng trong trang phục bảo hộ, mang khẩu trang, găng tay y tế, chuẩn bị hành lý lên máy bay rời phi trường Riyadh.
Trước đó, một thông cáo của Cục hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết chuyến bay hồi hương vào sáng ngày 3/9 từ thủ đô Ả-Rập Saudi sẽ chở 240 lao động Việt từ các Tiểu vương quốc Ả- Rập, do hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) sẽ đáp xuống sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, vào tối cùng ngày.
Hôm 3/9, đài truyền hình VTC loan tin rằng chuyến bay Bamboo Airways chở đội tuyển bóng đá Việt NAM sẽ cất cánh vào lúc 6h45 ngày 3/9 theo giờ địa phương, “hạ cánh kỹ thuật” tại sân bay Vân Đồn và dự kiến sẽ về tới sân bay Nội Bài vào lúc 20h20 cùng ngày.
Một thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Saudi hôm 26/8 cho biết chuyến bay giải cứu này được thực hiện “theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Ả-rập Xê-út.”
Vào tháng 7, chính quyền Việt Nam gửi công văn yêu cầu các công ty tuyển dụng lao động trong nước nhanh chóng giải quyết các trường hợp nữ lao động người Việt bị mắc kẹt tại một trung tâm tạm trú ở thủ đô Riyadh của Ả-rập Saudi.
Trước đó, những người lao động này tuyệt vọng kêu cứu trên mạng xã hội và thỉnh cầu giúp đỡ của họ không nhận được hồi đáp qua các kênh chính thức.
XEM THÊM: ‘Em đau lắm’: Nữ lao động Việt Nam bị bạo hành tàn tệ, tuyệt vọng chờ về nước XEM THÊM: 13 phụ nữ Việt Nam làm việc ở Ả-rập Saudi kể chuyện bị ngược đãiTrong những cuộc phỏng vấn với VOA, một số nữ lao động trong cơ sở tạm trú ở Riyadh nói họ được đưa vào đây chỉ với một bộ đồ trên người trong khi tư trang, hộ chiếu và những giấy tờ khác bị chủ nhà cầm giữ. Một số người cho hay họ không nhận được lương trong nhiều tháng và một số nói bị chủ ngược đãi dưới nhiều hình thức khác nhau.
Bà Ca nói những thương tích của bà là do bị chủ đánh đập trong khoảng thời gian gần hai năm bà giúp việc nhà cho họ tại Ả-rập Saudi. Bà Ca cho VOA biết sự ngược đãi tàn tệ đến mức bà phải bỏ trốn chưa đầy hai tháng trước khi hợp đồng lao động của bà chấm dứt.
Tổ chức CAMSA dẫn lời bà Ca cho biết bà nhiều lần cầu cứu với công ty Cổ Phần Đầu Tư Thuận An DMC, nơi đã tuyển bà đi làm “ô sin” ở Ả Rập Saudi, nhưng họ không can thiệp mà bảo bà phải vâng lời chủ, phải lao động tận tuỵ hơn. Bà gọi cho Đại Sứ Quán Việt Nam thì không bao giờ có người bắt máy.
“Một số người trên chuyến bay hồi hương chỉ vừa được cảnh sát Ả Rập giải cứu chưa đầy 2 hôm trước đó. Đến giờ chót, cảnh sát Ả Rập còn cố gắng giải cứu thêm một số nạn nhân nhưng không kịp vì thiếu thông tin định vị,” thông cáo của CAMSA cho biết.
Your browser doesn’t support HTML5