Đinh Hoàng Thắng
Có một độ lệch nhất định trong bang giao Việt – Mỹ đang được giới quan sát mổ sẻ. Từ lâu, phía Mỹ đã chủ động đề xuất nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược” (SP), thậm chí là “chiến lược toàn diện”(CSP), nhưng Việt Nam dường như chưa sẵn sàng. Trong khi đó, Hà Nội lại công khai bày tỏ, mong muốn được đón Tổng thống Joe Biden đến thăm Việt Nam trong năm 2022 này.
Hai mong muốn – một “lương duyên”
Tường trình trên báo “Tuổi trẻ” ngày 14/6/2022 về các buổi làm việc của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Việt Nam (từ 10 – 13/6) cho thấy có sự khác nhau trong điểm nhấn của mỗi bên đối với chuyến thăm. Chapeau in đậm: Trong cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, phía Việt Nam đã đề nghị bà phối hợp thúc đẩy chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong năm 2022. Về phía Mỹ, Washington mong nâng tầm quan hệ với Việt Nam “khi phù hợp”. Trong cuộc gặp này, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Ông Sơn khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng Mỹ thúc đẩy quan hệ “đối tác toàn diện” (CP) đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất… Về phần mình, Thứ trưởng Sherman khẳng định Washington coi trọng quan hệ với Hà Nội, nhất quán ủng hộ một Việt Nam giàu mạnh và thịnh vượng. Bà Sherman cũng bày tỏ, phía Mỹ mong muốn nâng tầm quan hệ với Việt Nam khi điều kiện phù hợp.
Đây không phải lần đầu tiên phía Mỹ chủ động trong việc thúc đẩy quan hệ song phương lên tầm cao mới. Tháng 8/2021, tại Hà Nội, Phó Tổng thống Kamala Harris đã đề xuất nâng quan hệ “đối tác toàn diện” (CP) lên “đối tác chiến lược” (SP). Nhưng các nhà lãnh đạo Đảng – Nhà nước Việt Nam vẫn chưa hồi đáp kiến nghị của bà Kamala.
Tháng 4/2021, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel J. Kritenbrink – nay ông này đã được tấn phong lên Trợ lý Ngoại trưởng, đặc trách liên khu vực Indo-Pacific – đã giãi bày như thế này về bang giao song phương: “Chúng ta tập trung vào nội dung và mức độ hợp tác giữa hai nước. Tính chất chiến lược trong mối quan hệ Mỹ – Việt được phản ánh qua cách chúng ta tiếp cận thế giới và qua quá trình cộng tác cùng nhau. Do đó, tôi không quá câu nệ về vấn đề tên gọi”. Câu chuyện Đại sứ Kritenbrink không kể ra hôm chia tay là, tại sao bang giao Việt – Mỹ quan trọng nhường ấy, mà trải qua bao đời các đại sứ Mỹ từ trước tới nay đã không thành tựu nổi một “đứa con tinh thần” của các chiến lược gia từ các cơ quan hoạch định chính sách ở cả hai nước. Vâng, có thể không nên quá câu nệ về tên gọi, nhưng người dân Việt lại nghĩ “danh có chính thì ngôn mới thuận”.
Để giải thích độ vênh trong các vấn đề – “chiến lược” hay “chưa chiến lược” và nay lại bổ sung thêm, có đoàn “cấp cao” hay “chưa có đoàn cấp cao” – cần nhìn rộng hơn vào bối cảnh mối quan hệ. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến các “độ lệch” này có thể tìm thấy trong lập luận của Tạp chí “The Diplomat” số tháng 5/2022. Tuy nhiên, theo nguyệt san có uy tín này, câu chuyện áp lực từ Trung Quốc đằng sau việc Việt Nam trì hoãn thúc đẩy nâng tầm quan hệ suốt hàng chục năm nay có điều gì đấy khó hiểu. Nếu vì áp lực của Trung Quốc thì đáng ra Việt Nam càng phải là bên chủ động hơn trong vấn đề bảo đảm an ninh cho mình. Đằng này, Mỹ đã/đang “nhượng bộ” Việt Nam trong nhiều vấn đề lớn, từ việc phá bỏ nghi thức ngoại giao để tiếp đón TBT Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng năm 2015 đến việc làm ngơ khi Việt Nam tiếp tục mua vũ khí của Nga hiện nay. Vậy thì, Việt Nam nắm trong tay con át chủ bài quan trọng nào? Thông thường, đối tác tương đối mạnh hơn có nhiều đòn bẩy thương lượng hơn so với các đối tác yếu hơn.
Điều khó hiểu nói trên nằm trong hai “bí mật công khai”. Thứ nhất là đặc tính “đồng minh vì lợi ích” giữa Hà Nội và Washington (ally of convenience). Bất cứ sự cải thiện nào trong quan hệ Việt – Mỹ đều có động lực nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mục đích này cho phép hai cựu thù về ý thức hệ hợp tác thuận lợi chống lại mối đe dọa về an ninh chung trước mắt. Mối đe dọa ấy to lớn và hiện hữu đến mức, Mỹ cho rằng Việt Nam quan trọng đối với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương (FOIP) và không thể để cho sự khác biệt về chính trị làm chệch hướng quan hệ đối tác. Chính điểm tựa này tạo cho Việt Nam một đòn bẩy thương lượng mạnh mẽ. Hà Nội hiểu rằng, sự lưỡng lự của mình không làm tổn hại đến triển vọng tích cực của mối bang giao. Như Cố vấn Bộ Ngoại giao Derek Chollet đã phát biểu trong chuyến thăm gần đây, các cuộc trao đổi cho thấy “sức mạnh ngày càng gia tăng của mối quan hệ Mỹ – Việt”. Điều này giải thích tại sao một số quan chức Việt Nam cũng cho rằng, quan hệ đối tác vốn đã mang tính chiến lược trên thực tế, nhờ mức độ và chất lượng hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đây là cơ sở cho sự tự tin, chưa tuyên bố về CSP Tổng thống Biden vẫn thăm Việt Nam, vì cả hai mong muốn nói trên (nâng cấp chiến lược và tiến hành thăm cấp cao) đều có thể dẫn tới “cuộc hôn nhân vì lợi” bền vững nhờ mối lương duyên.
“Bí mật công khai” thứ hai là sức ép nhiều lúc đến nghẹt thở của Trung Quốc đối với Việt Nam. “Hiệu ứng bóng đè” của Trung Quốc đối với Đông Á thì ai cũng tỏ tường. Sống với Trung Quốc cả ngàn năm có lẻ, người nông dân Việt ngày nay càng thấu triệt: i) Miếng cơm manh áo của mình phụ thuộc vào Trung Quốc đến nhường nào! Đài báo Bắc Kinh không nói gì nhiều về chuyện hàng hóa Việt Nam bị ách tắc. Nhưng Trung Quốc lại đưa “tin vui” về việc thông tuyến tàu liên vận và hàng vạn tấn sản phẩm Trung Quốc vẫn qua được cửa khẩu Hữu Nghị. Hoá ra chỉ tắc một chiều, phía ngược lại vẫn “trống dong cờ mở”. ii) Nhưng thiệt hại do ứ đọng hàng trên biên giới chưa nguy hiểm bằng việc, nếu như Hà Nội lại tuân theo “nghiêm dụ” của Tập Cận Bình xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh” để bảo vệ chủ nghĩa xã hội thế giới. iii) Phụ thuộc về điện, nước và các mặt hàng phụ trợ cũng chưa thâm độc bằng việc, thông qua “các đồng chí chưa bị lộ”, Bắc Kinh rất thành công trong quá trình biến sức ép đối với Việt Nam thành sức cản từ nội lực, như là một vấn đề nội bộ của Việt Nam, theo phân tích của Giáo sư Trương Giang Long.
Nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu”…
Vì những “bí mật công khai” nói trên mà Mỹ đã không tỏ ra nôn nóng hay tạo cớ cho những kẻ theo đuổi “lợi ích nhóm” trong bang giao với Trung Quốc, bằng thỏa thuận nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ. “Mưa dầm thấm lâu” chính là kiên nhẫn chiến lược để tránh khiêu khích Bắc Kinh và kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN tại Washington – mục đích chính của chuyến công du Mỹ (11-17/5/2022) – Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ gặp gỡ quan chức của nhiều tập đoàn lớn, định chế Hoa Kỳ để giới thiệu triển vọng đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, ba lĩnh vực: tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ chuyển đổi số và đa dạng chuỗi cung ứng, được thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh là tiềm năng cho hợp tác song phương khi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) chiều 11/5. Kể từ khi bình thường hóa năm 1995, kim ngạch thương mại đã tăng 248 lần sau 27 năm. FDI của Mỹ vào Việt Nam tuy đã tăng nhiều nhưng tập trung chủ yếu ở lĩnh vực dịch vụ. Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghệ cao. Tiềm năng thúc đẩy hợp tác còn được tăng cường khi cả Washington và Hà Nội tham gia Khuôn khổ Đối tác Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương (IPEF), được khởi động ngày 23/05 tại Tokyo.
Tháng 6/2022 này chứng kiến nhiều sự kiện trong quan hệ Việt – Mỹ. Chỉ liệt kê những hoạt động của các phái bộ Mỹ cấp tập sang Việt Nam trước và sau chuyến công du của Thứ trưởng Sherman có thể hình dung về quy mô và ý nghĩa của các sự kiện. Trong chuyến thăm châu Á từ 6 – 13/6, phái đoàn Thương mại về Năng lượng sạch “Clean EDGE” của Mỹ tới Hà Nội. Phái đoàn đã thảo luận các cam kết song phương tập trung vào năng lượng sạch và thực hiện các cuộc gặp với các đối tác, các nhà phân phối và nhà đầu tư tiềm năng. Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, dẫn đầu phái đoàn thay mặt Bộ Thương mại Mỹ là bà Pamela Phan, Phó Trợ lý Bộ trưởng phụ trách khu vực Châu Á. Đoàn đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Ban Kinh tế Trung ương. Tại các cuộc họp này, bà Phan đã ca ngợi quyết định của Việt Nam khi tham gia vào sáng kiến hợp tác mới gồm 14 nước (IPEF), vốn được coi là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Biden – Harris nhằm tăng cường sự tham gia của lĩnh vực tư nhân trong khu vực. Bà Phan cũng thảo luận về các ưu tiên của Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng, khí hậu và tầm quan trọng của việc chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới một cách an toàn.
Ngày 13/6, Hoa Kỳ vừa bàn giao một cơ sở đào tạo cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam tại đảo Phú Quốc, tài trợ gói thiết bị y tế trị giá 200 ngàn USD cho các bệnh viện của Bộ Công an và khởi động dự án “Tăng cường Tư pháp cho Người chưa thành niên ở Việt Nam”. Theo ông Todd Robinson, Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách Cục Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế (INL) cho biết, Mỹ đã bàn giao cơ sở huấn luyện cho Kiểm Ngư tại Vùng 5. Cơ sở này sẽ là nơi cung cấp những công cụ và nguồn lực cần thiết đảm bảo các hoạt động khai thác thủy sản bền vững. Cơ sở huấn luyện này có ngân sách đầu tư 1,98 triệu USD, do Mỹ tài trợ cộng nguồn đối ứng của Việt Nam. Cơ sở hoàn thiện tháng 5/2021 giúp đảm bảo đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện cho lực lượng Kiểm ngư Trung ương và 28 tỉnh, thành ven biển của Việt Nam. Trước đó vào ngày 10/6 tại Hà Nội, ông Robinson đã bàn giao gói thiết bị y tế do INL hỗ trợ cho các bệnh viện của Bộ Công an.
Ngày 14/6, Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế (INL) của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã công bố khung hợp tác kéo dài 3 năm nhằm hỗ trợ chính phủ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên, bảo vệ người chưa thành niên khỏi bị xâm hại, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép. Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Todd D. Robinson được UNICEF trích lời phát biểu tại buổi lễ nhân chuyến thăm Việt Nam rằng “INL cùng phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vinh dự được phối hợp với các đối tác chính phủ Việt Nam, các tổ chức IOM và UNICEF nhằm hỗ trợ thực hiện một dự án hướng tới bảo vệ những thành viên quý giá nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội”.
Ngày 19/6, tàu Quân y USNS Mercy (T-AH19) thuộc Bộ Tư lệnh Hải vận Quân sự Hoa Kỳ cập Cảng Vũng Rô, Phú Yên đã đánh dấu điểm dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chương trình Đối tác Thái Bình Dương 2022 (PP22). Theo thông cáo báo chí của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, thì tại Việt Nam, nhóm PP22 bao gồm các đại diện từ Australia, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ phối hợp cùng các đối tác Việt Nam trong một loạt các hoạt động và dự án nhằm mang lại lợi ích cho người dân Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong thời gian ở Phú Yên, nhóm này sẽ cung cấp các hoạt động chăm sóc y tế liên quan đến các lĩnh vực nội khoa và nha khoa; các hoạt động xây phòng học mới tại các điểm trường; và các hoạt động trao đổi chuyên môn liên quan đến quy trình ứng phó thảm họa. Ngoài ra, Ban nhạc Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cũng sẽ biểu diễn cùng các nghệ sỹ của Việt Nam trong các chương trình giao lưu cộng đồng trong ngày 20/6.