Ợ hơi và bịnh nuốt không khí

Medical medicine health graphic

Thính giả Lê Thị Hiền, ở Arizona, hỏi về chứng ợ hơi.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Your browser doesn’t support HTML5

Ợ hơi và bịnh nuốt không khí

Ợ hơi và bịnh nuốt không khí

Tôi xin lập lại là chúng ta chỉ bàn về một đề tài y học, hoàn toàn với tính cách thông tin và không có mục đích hướng dẫn định bịnh hay chữa bịnh cho bất cứ người nào. Quý vị cần nhờ bác sĩ riêng của mình định bịnh và chữa bịnh.

Tháng 10 năm ngoái tôi đã trả lời chi tiết cho một vị thính giả nữ ở Arizona hỏi về ợ hơi và tim co bóp ngoại thu tâm, tôi không biết có cùng một người hay không.

Tôi chỉ xin nhắc lại đây một số điểm có thể giúp làm giảm sình bụng và ợ hơi (belching).

Thay đổi cách ăn uống, để ý tác dụng các món mình ăn có thể giúp cho nhóm người này tránh những triệu chứng khó chịu do ảnh hưởng của sự "khói tiêu" sình hơi gây ra:

1. -giảm bớt các thức ăn khó tiêu, gây ra nhiều hơi sình bụng; thức ăn giàu chất xơ (fibers) có thể giúp bớt bón nhưng có thể sinh hơi trong ruột, một số thức ăn giàu tinh bột , khó tiêu như khoai , sắn, cơm để nguội hâm lại.
2. -tránh những thức ăn uống mà mình không hạp, ví dụ các chất có sữa, bơ; có thể dùng viên thuốc có men lactase (vd Lactaid) lúc phải ăn những thứ chế biến từ sữa
3. -tránh các nước uống có khí (carbonated drinks)
4. -đừng ăn no quá
5. -giảm cân nếu quá mập
6. - tập thể dục ,đi lại, vận động nhiểu hơn.
7. -dùng những thuốc không cần toa để giảm gas trong ruột như simethicone (vd GASX).

Nếu cùng là một người hỏi năm ngoái, có thể bịnh đã kéo dài và bịnh nhân vẫn còn ưu tư nhiều, tôi xin thêm mấy điểm sau:

1) Một trong những lý do hiếm nhưng có thể bác sĩ không nhận ra của bịnh ợ hơi nhiều là bịnh gọi là "nuốt không khí", tạm dịch từ Anh ngữ "aerophagia" (aero= không khí; phagia=ăn). Người bịnh thường ợ hơi nhiều, tuy không phải lúc nào cũng có triệu chứng này, có thể thấy tức bụng và bị bón. Chụp hình X Quang thấy khí nhiều trong ruột và ruột già (kết tràng) căng hơi.

2) Trong trường hợp ợ không khí đã được nuốt vào dạ dày, có lúc cơ tròn đóng phía trên của dạ dày mở ra, hơi thoát vào thực quản, và do phản xạ, cơ đóng phía trên thực quản mở ra cho khí thoát ra miệng; bịnh nhân ợ hơi ra từ trong dạ dày, gọi là gastric belching.

3)Một số bịnh nhân ợ quá nhiều do một cơ chế khác. Ở đây, do áp suất âm (negative pressure) trong lồng ngực, không khí từ họng được hút vào thực quản (nhưng không đi vào dạ dày), và sau đó ống thực quản co thắt lại để đẩy không khí này ra ngoài, gọi là “ợ hơi trên dạ dày” (supra-gastric belching). Ở người bịnh vì ợ kiểu này quá nhiều (> 13/ngày), có khi phải ợ 20-30 chục lần trong một phút. Ợ ngưng lúc bịnh nhân nói chuyện hoặc lúc đãng trí vì một chuyện gì khác, nhưng càng chú ý vào triệu chứng ợ hơi lại càng ợ nhiều hơn, và ợ hơi không xảy ra lúc đang ngủ. Bịnh này có thể liên hệ với số bịnh về tâm lý, tâm thần như bịnh trầm cảm, bịnh lo âu thái quá, bịnh ám ảnh - cưỡng chế (obsessive compulsive disorder, OCD), bịnh ăn quá nhiều rồi móc họng cho ói (bulimia nervosa), viêm não. SGB thường kèm theo tràn dịch acid dạ dày lên thực quản, và thường đi đôi với tính kém di động của thực quản (esophageal hypomotility).

Bác sĩ có thể cần một số xét nghiệm như quây video hay đo điện trở của thực quản (24 hour impedance manometry) để nghiên cứu về cách không khí bị hút vào thực quản rồi đẩy ra mà người bịnh không ý thức được. Chuyên viên chữa những rối loạn của hầu và thực quản này là những chuyên viên trị liệu về phát âm (speech therapist) và chuyên viên dạy bịnh nhân thay đổi hành vi (behavior) của mình. Tại sao các speech therapist lại chữa vấn đề ợ hơi? Những người sau khi bị cắt thanh quản (laryngectomy), các chuyên viên này dạy họ nói bằng cách dùng hơi phát ra từ thực quản, đối với bịnh nhân bị chứng ợ hơi quá nhiều do không khí dồn lại trong thực quản, chuyên viên phải dạy cho bịnh nhân gỡ bỏ thói quen vô ý thức của mình , nghĩa là làm ngược lại những gì họ huấn luyện cho người đã mất thanh quản.
Đối với các vấn đề tâm lý, tâm thần kèm theo, bác sĩ cần chữa trị các chứng như bịnh trầm cảm, lo âu bằng thuốc men (ví dụ thuốc chống trầm cảm ba vòng, SSRI) hay chữa bằng tâm lý trị liệu hay hành vi trị liệu.
Có báo cáo cho biết chữa SGB bằng baclofen (thuốc giãn cơ) và pregabalin (Lyrica) (theo Kunte).

Về các polyp nhỏ ở trực tràng, cần bác sĩ ruột theo dõi, từng trường hợp. Bịnh polyp thường gặp: 30-40% người lớn có polyp trong ruột già. Thường thì bác sĩ cắt bỏ những polyp lớn hơn 5 mm (1/2 cm) và sau đó làm sinh thiết để phân loại. Loại polyp do tăng sản (hyperplastic polyp) thường nằm cuối ruột già, không biến thành ung thư. Loại polyp loại u tuyến (adenomatous polyp, adenoma) có khả năng biến thành ung thư, nhưng trung bình mất chừng 10 năm để một polyp nhỏ biến thành ung thư.
Rất ít polyp hay ung thư ruột già được tìm thấy trên người dưới 40 tuổi, trừ trường hợp ảnh hưởng di truyền. 90% xuất hiện sau tuổi 50, do đó ở Mỹ người ta sàn lọc (screen) bịnh nhân từ 50 tuổi để truy tầm ung thư ruột già, một trong những biện pháp là soi ruột già (colonoscopy).
Bao nhiêu lâu mới cần soi ruột già lại một lần tuỳ theo số polyps tìm thấy lần trước, kích thước to nhỏ bao nhiêu, tế bào của polyps có dấu hiệu ung thư hay không, gia đình có cha mẹ anh chị em ruột (first degree relative) bị ung thư ruột già hay không, và tuỳ theo sở thích của bác sĩ chữa bịnh cho mình. Tuỳ theo loại polyp, hoàn cảnh bịnh nhân , bác sĩ có thể nội soi từ 2 năm đến 10 năm một lần. Ví dụ, 3 năm sau khi cắt adenoma, soi lại khả năng adenoma xuất hiện lại là 30%. Cần hỏi bác sĩ rỏ ràng về vấn đề theo dõi này. Hút thuốc lá, ăn thịt đỏ, thịt nướng, thịt chế biến (xúc xích, hamburger, thịt hộp), uống nhiều alcohol (rượu, bia), ít ăn trái cây, rau cải, quá mập có thể tăng cơ nguy u bướu ruột già.

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 28 tháng 7 năm 2017

References:

1) Albert J. Bredenoord :Management of Belching, Hiccups, and Aerophagia

http://www.medscape.com/viewarticle/776875_2

J Neurogastroenterol Motil 2015; 21(3): 398-403 https://doi.org/10.5056/jnm15002

2) Nikolaos Koukias, Philip Woodland, Etsuro Yazaki, and Daniel Sifrim*

Supragastric Belching: Prevalence and Association With Gastroesophageal Reflux Disease and Esophageal Hypomotility

Barts and the London School of Medicine and Dentistry, Queen Mary University of London, UK

3) Hagen Kunte, MD Successful treatment of excessive supragastric belching by combination of pregabalin and baclofen

http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/pcn.12223/full

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.