Bài diễn văn được đọc vào lúc Tổng thống Mỹ sắp sửa hết thúc chuyến đi ba ngày tại Ấn Độ. Ông nói đến một tầm nhìn mà hai nước có thể thực hiện:
“Đối với châu Á và khắp thế giới, Ấn Độ không chỉ là quốc gia đang trỗi dậy. Ấn Độ đã trỗi dậy. Tôi tin chắc rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, vốn được ràng buộc bằng những lợi ích và giá trị chung, sẽ là một trong cuộc hợp tác định hình cho thế kỷ thứ 21. Đây là một cuộc hợp tác mà tôi đã đến đây để xây dựng. Đây là viễn ảnh mà hai quốc gia chúng ta có thể cùng nhau thực hiện.”
Tổng thống Obama nói rằng Ấn Độ đã khắc phục nhiều khó khăn lớn để trở thành một mô hình cho thế giới và giờ đây hai nước có một cơ hội lịch sử để định hình thế kỷ trước mắt và cùng nhau phát triển trong thịnh vượng.
Về một vấn đề mà Ấn Độ có rất nhiều quan tâm, Tổng thống Obama nói rằng nước Pakistan láng giềng ngày càng nhận rõ các đe dọa mà các mạng lưới khủng bố có thể gây ra cho họ và những người bên ngoài Pakistan:
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nhấn mạnh với lãnh đạo Pakistan rằng các nơi trú ẩn an toàn của khủng bố bên trong đất nước họ là điều không thể chấp nhận, và những kẻ khủng bố thực hiện vụ tấn công ở Mumbai phải được đưa ra trước công lý. Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều có lợi ích khi Afghanistan và Pakistan đều ổn định, phồn vinh và dân chủ; và chính Ấn Độ cũng thừa nhận như vậy.”
Ông ca ngợi viện trợ phát triển của Ấn Độ cho Afghanistan và viện trợ của Hoa Kỳ tại đó vẫn sẽ tiếp tục cho dù Hoa Kỳ có kế hoạch bắt đầu giảm bớt hoạt động tại đó vào năm tới.
Trước đó, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai nhà lãnh đạo đã trả lời các câu hỏi liên quan đến quan hệ kinh tế hai nước, vấn đề Kashmir, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, không phổ biến hạt nhân và chống khủng bố.
Tổng thống Obama tránh trả lời trực tiếp đến Kashmir nhưng nhấn mạnh đến quan điểm của Hoa Kỳ là Ấn Độ và Pakistan phải tìm ra một phương sách để xoa dịu căng thẳng:
“Tôi cho rằng Thủ tướng Singh rất thành thực và kiên trì trong ước muốn đạt được hòa bình. Tôi hy vọng rằng cả hai bên có thể, trong nhiều tháng, nhiều năm sắp tới đây, tìm ra những cơ chế thích hợp cho họ để giải quyết những vấn đề rất khó khăn này.”
Thủ tướng Singh tuyên bố Ấn Độ sẵn sàng giao tiếp với Pakistan để giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn đọng, nhưng ông nêu ra lời chỉ trích gay gắt Pakistan:
“Yêu cầu của chúng tôi là ta không thể vừa đàm phán vừa để cho bộ máy khủng bố vẫn hoạt động y như trước. Một khi Pakistan thay đổi lối hành xử được khích động bằng khủng bố này, chúng tôi sẽ rất vui lòng giao tiếp một cách hữu hiệu với Pakistan để giải quyết tất cả những vấn đề còn tồn tại.”
Các giới chức của Hoa Kỳ nói rằng trong trạm dừng chất kế tiếp tại Indonesia, Tổng thống Obama sẽ lập lại những chủ đề mà ông đã đưa ra tại Ấn Độ – nói lên tầm quan trọng của Indonesia trong tư cách là một nền dân chủ và một nền kinh tế đang lớn mạnh, cần đóng một vai trò nào đó trong các tổ chức khu vực và toàn cầu.
Lên tiếng trước hai viện Quốc hội Ấn Độ, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi Ấn Độ đã là một cường quốc thế giới vừa trỗi dậy, và quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ là chuyện bắt buộc cho thế kỷ 21.