Trong số nhiều thách thức chính sách đối ngoại mà Hoa Kỳ đối mặt, vụ thử hạt nhân mới đây của Bắc Hàn không được đề cập đến trong diễn văn về tình trạng liên bang hôm Thứ Ba của Tổng thống Barack Obama. Thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật từ Seoul.
Ông Obama nói ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu phải là đối phó với các mối đe dọa từ "các quốc gia không hoạt động hữu hiệu" ở Trung Đông, Afghanistan và Pakistan, và các mạng lưới khủng bố đã lớn mạnh lên ở khu vực đó của thế giới.
Nhà phân tích về Bắc Hàn Victor Cha, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, cho rằng đối phó với mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng từ Bắc Hàn vẫn chỉ là một mối quan tâm thứ yếu. Ông nói ông không kỳ vọng ông Obama sẽ thay đổi chính sách kiềm chế hiện thời mang tên "kiên nhẫn chiến lược", cũng như không trông đợi bất kỳ ứng cử viên tổng thống chủ chốt nào sẽ biến Bắc Hàn thành một vấn đề quan trọng trong cuộc tranh cử.
"Bất cứ ai nắm quyền trong khoảng một năm tới kể từ bây giờ sẽ phải xử lý một vấn đề tồi tệ hơn theo cấp số nhân so với điều mà chúng ta đang đối phó với ngày hôm nay".
Nỗi đau đến tận xương
Tuy nhiên căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục gia tăng trong tuần này, ít nhất là về mặt ngôn từ.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm Thứ Tư công khai lên án Bắc Hàn vì đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Bà cũng bênh vực cho sự phản ứng hạn chế của nước mình và thúc giục Trung Quốc hỗ trợ những biện pháp trừng phạt quốc tế mạnh mẽ.
Tại một cuộc họp báo ở Seoul, bà Park cho hay Hàn Quốc đang hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các đồng minh khác để xây dựng các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc mà bà nói sẽ làm cho Bắc Hàn cảm thấy "đau tận xương tủy".
Tuy nhiên bà nhìn nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc, là nước cung cấp trợ giúp kinh tế thiết yếu cho Bắc Hàn, sẽ rất khó gây áp lực hiệu quả buộc chính quyền Kim Jong Un phải ngừng chương trình hạt nhân của mình.
"Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ đóng một vai trò tích cực hơn vì họ đã thể hiện rõ ràng sự sẵn sàng. Chúng tôi đang thảo luận với các đặc sứ của cuộc đàm phán sáu bên để xây dựng các biện pháp trừng phạt hiệu quả".
Năm 2009, Bình Nhưỡng đã rút khỏi "cuộc đàm phán sáu bên" với Washington, Seoul, Tokyo, Bắc Kinh và Matxcơva về việc ngừng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn để đổi lấy viện trợ kinh tế và bảo đảm an ninh.
Hãng tin KCNA của nhà nước Bắc Hàn đưa tin rằng hôm Thứ Ba, lãnh tụ Kim Jong Un đe dọa cho nổ một "quả bom H mạnh hơn" trong tương lai và cổ xuý cho việc mở rộng về quy mô và sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của nước ông.
Bắc Hàn tuyên bố vụ nổ hạt nhân mới đây của nước này là một quả bom khinh khí, nó mạnh hơn rất nhiều so với quả bom nguyên tử nước này đã thử trước đây. Hầu hết các chuyên gia đều bác bỏ tuyên bố này. Họ phản biện rằng năng lượng sinh ra thấp đối với một thiết bị nhiệt hạch đầy đủ quy mô.
Các biện pháp của Hàn Quốc
Bà Park đã bênh vực cho quyết định của mình khi cho hoạt động trở lại việc phát loa phóng thanh chống Kim Jong Un dọc theo biên giới khi có những cáo buộc là hệ thống đó không hiệu quả hoặc quá khiêu khích.
Bà nói việc sử dụng biện pháp chiến tranh tâm lý này kích thích sự nổi dậy của những người dân ở miền Bắc và làm mất ăn mất ngủ giới lãnh đạo Bình Nhưỡng đang kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông nhà nước. Bà ghi nhận rằng các chương trình phát thanh năm ngoái - khi nổ ra căng thẳng về một vụ tai nạn mìn - đã gây áp lực với các lãnh đạo Bắc Hàn buộc họ tìm kiếm một giải pháp và phải có những nhượng bộ, bao gồm cả việc xin lỗi vì đã kích động xung đột. Bà phát biểu:
"Sự thật là vũ khí quan trọng nhất chống lại một chế độ toàn trị".
Có tin Bắc Hàn đã thiết lập các cột loa của mình trong khu vực biên giới để phát đi những bình luận chỉ trích Tổng thống Park.
Trong cuộc họp báo, bà Park khen ngợi liên minh quân sự chặt chẽ của Hàn Quốc với Hoa Kỳ vì đã tạo ra sự răn đe mạnh mẽ và nâng cao khả năng sẵn sàng quân sự để bảo vệ trước các hành động khiêu khích tiềm tàng của Bắc Hàn.
Washington và Seoul vừa tiến hành biểu dương sức mạnh không quân gần biên giới với Bắc Hàn bằng cách phái một oanh tạc cơ B-52 có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Mỹ từ đảo Guam bay tới Hàn Quốc.
Hôm qua, Hạ viện Mỹ, với đa số áp đảo, đã thông qua dự luật nới rộng các biện pháp chế tài đơn phương để trao quyền cho Tổng thống phong toả tài sản của những cá nhân và công ty Bắc Hàn dính líu tới các hoạt động bị cấm và trừng phạt những ngân hàng của các nước khác làm ăn với chính phủ của ông Kim Jong Un.
Dự luật này có phần chắc sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Thượng viện và Tổng thống Obama.