Trong lời nhận định, Tổng thống Barack Obama không đòi lãnh đạo Syria từ chức. Nhưng những lời nhận định là một dấu hiệu nữa cho thấy Hoa Kỳ đang mất đi sự kiên nhẫn đối với Tổng thống Bashar Al-Assad, một người đã đưa ra lời hứa cải tổ nhưng lại hành động ngược hẳn lại với những gì mà ông hứa hẹn.
Tổng thống Obama nói: ”Nhân dân Syria đã bày tỏ lòng can đảm trong việc đòi chuyển đổi sang dân chủ. Và bây giờ Tổng thống Assad có một chọn lựa: ông có thể lãnh đạo cuộc chuyển đổi đó, hoặc tránh chỗ cho người khác. Chính phủ Syria phải ngưng nổ súng vào người biểu tình và cho phép biểu tình ôn hòa, trả tự do cho những tù nhân chính trị và chấm dứt các vụ bắt người vô cớ. Họ phải để cho những nhà theo dõi nhân quyền đến các thành phố như Dara'a và bắt đầu một cuộc đối thoại nghiêm chỉnh để thúc đẩy cuộc chuyển đổi dân chủ.”
Tổng thống Obama nói rằng Syria đã theo chân đồng minh Iran và mưu tìm sự hỗ trợ của Teheran trong “các chiến thuật đàn áp.”
Ông nói về tính ”đạo đức giả của chế độ Iran,” mà ông cho là ủng hộ cho quyền biểu tình phản đối ở nước ngoài nhưng lại đàn áp người dân biểu tình trong nước.
Ngay trước khi Tổng thống Obama đọc bài diễn văn, chính quyền Mỹ loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Syria, và đây là lần đầu tiên trực tiếp nhắm vào Tổng thống Assad và các cố vấn then chốt của ông.
Những biện pháp phong tỏa tài sản của người Syria có thể có tại nước Mỹ, và cấm các doanh nghiệp Mỹ buôn bán với họ, có thể không có mấy ảnh hưởng ngay đối với ông Assad.
Nhưng theo các nhà phân tích thời cuộc, hành động trừng phạt của Hoa Kỳ có giá trị tượng trưng rất cao, và có thể đưa đến khó khăn lớn cho giới lãnh đạo Syria nếu Liên Hiệp châu Âu, như dự kiến, sẽ theo chân Hoa Kỳ để mở rộng các biện pháp trừng phạt.
Chuyên gia về Trung Đông Robert Satloff, Giám đốc Điều hành Viện Nghiên Cứu Chính Sách Cận Đông tại Washington, nói rằng những lời lẽ của Tổng thống Obama là “một bước đi quan trọng” tiến tới việc Hoa Kỳ thẳng thắn đòi hỏi thay đổi chế độ tại Syria. Ông còn nói là có phần chắc ông Assad sẽ không để tâm đến lời kêu gọi cải tổ.
Ông nói: ”Tôi cho rằng cái thông điệp mạnh mẽ hơn là: chính quyền Mỹ đã khởi sự hành động quyết liệt tiến tới việc đòi ông Assad từ bỏ quyền bính. Nếu như chính quyền của Tổng thống Obama thực sự nghiêm túc về tiêu chuẩn cho Syria, đòi hỏi phải tiến tới một chính phủ dân chủ, cởi mở, tôn trọng nhân quyền, hoặc là ông Assad phải ra đi, tôi cho rằng ông Assad dứt khoát sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn đó.”
Chuyên gia Satloff nói rằng chính sách của Hoa Kỳ có đòi hay không và chừng nào sẽ đòi ông Assad phải từ chức tùy thuộc vào việc dân chúng Syria có tiếp tục thách thức chế độ hay không.
Ông nói bằng cách nhắm biện pháp trừng phạt vào chính cá nhân ông Assad, chính quyền Obama có thể đang trắc nghiệm xem quân đội Syria hay giới chính trị có quyền thế tại nước này sẽ có quay sang chống lại Tổng thống Assad hay không.
Trong bài diễn văn, Tổng thống Obama nói rằng trừ phi nhà lãnh đạo Syria khởi sự một tiến trình chuyển đổi dân chủ, ”bằng không chế độ của ông sẽ tiếp tục bị thách thức từ trong nước và bị cô lập với nước ngoài.”
Trong bài diễn văn về chính sách tại Trung Đông, Tổng thống Barack Obama nói rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng trước sự chọn lựa hoặc là lãnh đạo một cuộc chuyển đổi sang dân chủ cho quốc gia ông, hoặc là tránh chỗ cho người khác. Lời nhận định được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Mỹ áp đặt trừng phạt nhắm vào nhà lãnh đạo Syria và những phụ tá then chốt của ông.