OIC phản ứng sau khi bị bác việc lập văn phòng ở Miến Điện

  • Danielle Bernstein

Các tăng sĩ Phật giáo ở Rangoon phản đối việc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo mở văn phòng ở Miến Điện

Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo, OIC, nói quyết định của Miến Điện bác bỏ một văn phòng của tổ chức này tại Miến Điện là một bước thụt lùi dường như đi ngược lại một thỏa thuận đã ký trước đó giữa OIC và các giới chức Miến Điện. Trong tuần này, hàng ngàn nhà sư Miến Điện và nhiều người khác biểu tình chống việc mở văn phòng của OIC – một tổ chức gồm 57 nước thành viên đang điều tra về những vụ bạo động tại bang Rakhine.

Tổ chức Hợp tác Hồi Giáo, OIC, đến thăm Miến Điện hồi tháng trước sau khi bạo động bùng phát giữa những người sắc tộc Rohingyas - phần lớn theo Hồi Giáo - và người dân địa phương ở Rakhine, đa số theo Phật Giáo.

Cuộc xung đột đã làm hàng trăm người thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác phải sơ tán, khiến Liên Hiệp Quốc phải cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt.

Ông Maha Akeel, một phát ngôn nhân của OIC, nói tổ chức này vẫn chưa nhận thông báo chính thức cho biết là ý định mở văn phòng đã bị từ khước, tuy nhiên ông nói loan báo của Tổng thống Miến điện đã gây chấn động:

“Đây là một bước lùi bởi vì chúng tôi đã có một thỏa thuận bằng văn bản, có chữ ký, cho phép mở một văn phòng nhân đạo sẽ giúp toàn thể cộng đồng sinh sống trong vùng Rakhine, không chỉ người Hồi Giáo.”

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nói người sắc tộc Rohingyas từ lâu đã bị kỳ thị một cách có hệ thống và bị tước bỏ quyền trở thành công dân. Tình hình này đã tạo nên một cuộc khủng hoảng tị nạn kéo dài, khiến Liên Hiệp Quốc phải mô tả người Rohingya là một trong các nhóm sắc tộc bị loại ra ngoài lề xã hội và bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Ông Aye Win, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc tại Miến Điện, nói với Đài VOA trong một điện thư rằng “người dân tại bang Rakhine đang chịu nhiều gian khổ, và các cộng đồng tự họ phải tìm phương cách giải quyết để tiến tới phía trước.

Các tổ chức nhân đạo chỉ có thể cố gắng giảm bớt sự thống khổ của dân chúng, bất kể tôn giáo hay chủng tộc, và tình hình không thuận lợi cho người dân khi có hành động thù nghịch chống công tác phân phối vật phẩm cứu trợ nhân đạo.

Ông Htun Aung Gyaw, một nhà hoạt động chính trị lưu vong thuộc tổ chức độc lập “Sứ mạng vì Hòa bình nơi Đất mẹ” mới trở về từ một chuyến đi thăm Miến Điện. Tại đây, ông đã được chính quyền mời tham gia một chuyến đi hai tuần để tìm hiểu tình hình về các cuộc hòa đàm đang tiếp diễn với nhiều nhóm sắc tộc.

Mặc dù giới thẩm quyền Miến Điện đang xúc tiến các cuộc hòa đàm với nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhưng không có cuộc thảo luận nào như thế với cộng đồng Rohingya. Ông Htun Aung Gyaw nói bang Rakhine sẽ là một thử thách lớn hơn đối với khả năng duy trì hòa bình của chính phủ Miến điện:

“Tại bang Kachin hay bang Shan, xung đột sắc tộc với chính phủ là do tranh chấp về quyền bình đẳng và tự quyết, nhưng tại bang Rakhine thì đây là vấn đề chủng tộc, tôn giáo vô cùng phức tạp. Bản sắc sắc tộc là một vấn đề gây rất nhiều tranh cãi, và làm thế nào giải thích có một sắc tộc đang cư ngụ tại Miến Điện, liệu có nên chấp nhận hay không nếu vấn đề này được quyết định bởi đại đa số dân chúng.”

Bất chấp những quan tâm của quốc tế về vấn đề người Rohingya, phe đối lập chính trị Miến Điện dường như đoàn kết sau lưng lập trường của Tổng thống Miến điện về vấn đề người Rohingya.

Khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi chưa đưa ra lập trường về vấn đề này.

Ông Francis Wade là một nhà phân tích độc lập sống trong vùng:

“Tôi nghĩ chính phủ nhận thức được mức phẫn nộ của rất nhiều người dân Miến Điện về vấn đề này, và về sự hiện hữu của người Rohingya, vì thế nếu chính phủ cho OIC đặt văn phòng tại Miến điện, thì quyết định ấy sẽ khơi lên sự bất mãn cao độ đối với chính phủ, trong khi họ đang trong một tình trạng dễ bị chỉ trích. Đây là một quyết định chiến thuật. Chính phủ sẽ đánh mất sự ủng hộ của nhiều người nếu cổ vũ cho quyền của người Rohingya thông qua tổ chức IOC. Đây là một cáo trạng gay gắt về tính mong manh của những lời khoa trương về cải cách ở Miến điện.”

Có đến 800.000 người Rohingya sống dọc theo biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh. Không nước nào công nhận những người này là công dân nước họ, và trong những tuần gần đây, các tổ chức cứu trợ cảnh báo rằng rất nhiều người phải đối mặt với các biện pháp hạn chế đi lại ở cả hai bên đường biên giới.