Tại Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ hôm 21/2, cựu tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm đến các tù nhân lương tâm Việt Nam và tiếp tục gây sức ép đòi Đảng Cộng sản Việt Nam tôn trọng nhân quyền.
Ông Diệu, một nhà hoạt động dân chủ mới ra tù cách đây hơn 1 tháng, cho VOA biết ông đến hội nghị “với tư cách là một thành viên của Đảng Việt Tân”, là tổ chức đã được hội nghị mời từ trước.
Bài phát biểu của ông Diệu đã mô tả lại thời gian ông ở trong tù sau khi nhà chức trách Việt Nam kết tội hồi năm 2011 là ông đã hoạt động cho Đảng Việt Tân bị chính quyền coi là tổ chức khủng bố, một cáo buộc mà đảng này luôn phủ nhận.
Ông nói với hội nghị rằng quyền con người của ông và những tù nhân khác trong trại giam không được tôn trọng như trong luật. Nói cách khác, theo lời ông, “pháp luật đối với trong trại giam, nó chỉ ở trên giấy mà thôi”.
Your browser doesn’t support HTML5
Một phần quan trọng khác trong bài phát biểu là ông Diệu đã điểm lại những sự bất công vừa xảy ra trong xã hội Việt Nam trong những ngày qua. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự kiện đoàn người từ Song Ngọc, Nghệ An đi đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh để kiện hãng Formosa gây ô nhiễm biển, nhưng đã bị nhà chức trách ngăn chặn, đàn áp, làm hàng chục người bị thương.
Về thông điệp chính của mình khi tham gia hội nghị, ông Diệu nhấn mạnh với VOA rằng ông kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các đoàn ngoại giao, thăm các tù nhân lương tâm ở các trại giam và những người mới bị bắt.
Ông Diệu nói nhiều người bị bắt vì nhà chức trách cáo buộc họ vi phạm các điều 79, 88, 258 trong Bộ luật Hình sự, mà ông gọi đó là những điều luật “mơ hồ” về tuyên truyền hoặc hoạt động chống nhà nước. Ông nói thêm:
“Những người bị bắt theo những tội danh đó rất cần sự ủng hộ và lên tiếng của các quý vị ngoại giao ngay từ đầu. Nếu các quý vị đến để thăm các tù nhân lương tâm đó mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam họ có ngăn cản thì đó là một dấu chỉ là không bảo đảm quyền con người”.
Một thông điệp lớn nữa của ông Diệu là cộng đồng quốc tế “có áp lực và tiếng nói mạnh mẽ hơn” đối với Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông nói:
“Theo quan điểm cá nhân của tôi thì tôi bảo là buộc đảng cộng sản chứ không phải là nhà nước Việt Nam. Bởi vì quan điểm của tôi thì nhà nước Việt Nam chỉ là bù nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên tôi muốn gửi đến thông điệp với họ rằng là buộc Đảng Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do chính trị. Đó là sân chơi bình đẳng cho mỗi công dân”.
Ông Diệu cho biết sau khi ông phát biểu xong “hội nghị đã vỗ tay rất nhiều”. VOA được biết ông là một trong 15 diễn giả phát biểu tại hội nghị về tình trạng nhân quyền ở quốc gia mình. Họ là các nhà báo, các nhà hoạt động và những nạn nhân, thân nhân của tù nhân chính trị tại các nước trong đó có Việt Nam, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Venezuela, Mauritania và Tây Tạng.
Hội nghị Geneva về Nhân quyền và Dân chủ là cuộc họp quốc tế thường niên lần thứ 9, mang lại cơ hội để các nhà đối kháng khắp thế giới lên tiếng thu hút sự quan tâm đến việc giải quyết các vi phạm nhân quyền. Hội nghị được tổ chức trước phiên họp của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Your browser doesn’t support HTML5