Tính đến ngày 4/9, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực sang ngày thứ 22. Ông Thức đã “sụt mất hơn 4 kilogam”, theo thông tin đăng hôm 31/8 trên Facebook của ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức, sau khi ba người nhà thăm ông Thức tại trại giam ở Nghệ An vào cùng này.
Mặc dù trông ông “yếu và ốm đi nhiều, da mặt sạm đen”, song ông Thức vẫn động viên rằng gia đình hãy “yên tâm” và ông “không sao”, ông Tân cho biết thêm qua mạng xã hội.
“Lý do anh Thức tiếp tục tuyệt thực là yêu cầu công lý và Nhà nước phải thượng tôn pháp luật”, ông Tân viết.
Người em trai của tù nhân lương tâm giải thích rõ hơn rằng ông Thức đòi được trả tự do, căn cứ theo Khoản 3 Điều 109, Bộ luật hình sự 2015, có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Điều luật này quy định về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, trong đó, Khoản 3 về “chuẩn bị phạm tội” quy định mức hình phạt 1 đến 5 năm tù, nhẹ hơn rất nhiều so với hành vi phạm tội.
Hồi cuối tháng 4/2018, gia đình ông Thức đã gửi đơn tới các lãnh đạo hàng đầu và một số cơ quan cấp bộ của Việt Nam để đề nghị họ xem xét đặc xá cho ông.
Luật sư Ngô Ngọc Trai, người tư vấn cho gia đình ông Thức, tin rằng những gì ông Thức đã làm để dẫn đến việc bị kết án 16 năm tù hồi năm 2010 chỉ có thể bị quy là “chuẩn bị phạm tội”.
Gia đình và luật sư hiện đưa ra quan điểm là căn cứ theo điều luật mới, thời gian ở tù của ông Thức đã vượt qua mức hình phạt tương xứng, do đó, ông cần phải được trả tự do ngay.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, các văn bản phúc đáp từ Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nói hiện nay nhà nước “chưa có chủ trương đặc xá” năm 2018 nên “không có căn cứ để xem xét, đề nghị đặc xá cho phạm nhân Trần Huỳnh Duy Thức”.
Về phía gia đình ông Thức, họ khẳng định ông đang bị nhà chức trách ép buộc phải nhận tội mới có thể được xét đặc xá. Nhưng tù nhân này cương quyết không nhận tội.
Viết trên Facebook hôm 31/8, ông Tân cho hay anh trai mình “muốn nhà nước phải sử dụng đúng điều luật” để trả tự do cho ông ấy.
Hơn nữa, theo ông Tân, điều sâu xa hơn mà ông Thức đấu tranh là vụ án của ông sẽ được làm án lệ để sau này chỉ khi nào một người có hành động cụ thể mới bị kết tội theo điều luật về “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bên cạnh những điều đó, cuộc tuyệt thực của ông Thức còn nhằm phản đối việc trại giam có những hạn chế đối với thư tín của ông gửi ra ngoài, ông Tân cho biết thêm.
“Anh Thức biết việc của mình là đấu tranh cho công lý và anh sẽ cương quyết thực hiện việc tuyệt thực cho đến khi nào đạt được công lý. Gia đình sẽ cùng đồng hành tuyệt thực và kêu gọi mọi người đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức để yêu cầu nhà nước tôn trọng pháp luật, trả tự do cho anh Thức”, ông Tân viết trên Facebook.
Lời kêu gọi này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ được hàng chục nhà hoạt động vì dân chủ và những người ủng hộ họ.
Tôi ủng hộ việc đấu tranh của anh Thức. Đó là phương tiện cuối cùng của người ở trong tù.Nhà hoạt động Lê Thăng Long
Trong số họ là các ông Lê Thăng Long và Lê Công Định, hai trong ba nhà hoạt động cùng bị kết án tù vào năm 2010 cùng với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Ba nhà hoạt động đó đã nhận các mức án thấp hơn và đều đã ra tù cách đây vài năm.
Ông Lê Thăng Long, cựu bạn tù của ông Thức, nói với VOA rằng là người từng tuyệt thực hai lần trong tù, ông thấy “đau đớn” khi người bạn thân của mình đã tuyệt thực hơn 3 tuần. Mong muốn ông Thức giữ gìn tính mạng và sức khỏe, ông Long bày tỏ:
“Tôi ủng hộ việc đấu tranh của anh Thức. Đó là phương tiện cuối cùng của người ở trong tù. Tôi đề nghị anh Thức ngưng tuyệt thực. Nhưng tôi và các bạn ủng hộ lập trường đấu tranh đó, thì chúng tôi tiếp sức cho anh để anh ngưng tuyệt thực, nhưng mà bảo vệ quan điểm của anh để đấu tranh để anh phải được trả tự do trong thời gian sớm nhất”.
Từ kinh nghiệm trong quá khứ, cựu tù nhân lương tâm này nói khó có chuyện chính quyền “lắng nghe” tiếng nói đấu tranh của tù nhân.
Mặc dù vậy, ông Long cho rằng cuộc tuyệt thực kéo dài của ông Thức và sự ủng hộ của nhiều người hiện nay là sự khác biệt lớn với những gì từng xảy ra trước đây. Điều này có thể tạo ra tiền lệ là nếu “áp lực đủ lớn”, nhà cầm quyền có thể “có động thái giải quyết vấn đề một cách nào đó”, ông Long nhận định.
Nếu mà chuyện đó xảy ra thì đó cũng là một bước tiến. Anh Thức cũng như chúng tôi là những người biết lắng nghe. Nếu mà điều đó xảy ra thì đó cũng là bước tốt hơn.Nhà hoạt động Lê Thăng Long
Thời gian qua, một số nhà hoạt động và nhà quan sát nêu ra khả năng chính quyền Việt Nam tuy không đặc xá cho ông Thức song có thể sẽ thả ông với lý do “để chữa bệnh”.
Về khả năng này, ông Lê Thăng Long nói đã có tiền lệ là nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ được thả theo hình thức như vậy vào tháng 4/2014 và ông Vũ đã ngay lập tức bị đưa đi Mỹ tị nạn chính trị.
Lưu ý rằng ông Trần Huỳnh Duy Thức đã nhiều lần từ chối việc được thả tù kết hợp với phải đi nước ngoài, một điều có thể gây khó xử cho phía chính quyền, ông Long vẫn đưa ra nhận định rằng ông “để ngỏ” khả năng là ông Thức được thả “để chữa bệnh”:
“Nếu mà chuyện đó xảy ra thì đó cũng là một bước tiến. Anh Thức cũng như chúng tôi là những người biết lắng nghe. Nếu mà điều đó xảy ra thì đó cũng là bước tốt hơn. Và từ đó, anh Thức cũng như về phía nhà cầm quyền, cũng như các bên có thể cùng ngồi lại có những trao đổi, có những thương thảo để hướng tới tương lai, có một tương lai tốt đẹp hơn, dân chủ và văn minh cho Việt Nam”.
Hội Ân xá Quốc tế khu vực Đông Nam Á-Thái Bình Dương hôm 3/9 cũng lên tiếng về trường hợp tuyệt thực của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Một bài bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên trang Facebook của tổ chức này với bức họa chân dung ông Thức có đoạn “Hãy bày tỏ tình đoàn kết với nhà hoạt động và blogger Trần Huỳnh Duy Thức, người hiện đang tuyệt thực, bằng cách sử dụng hình ảnh này làm hình đại diện của bạn”.
Trên trang Facebook có tên Tiếp sức tuyệt thực Free THDThức, đến ngày 4/9 có hơn 1800 người theo dõi và nhiều người đăng hình ảnh bản thân họ cầm biểu ngữ tuyên bố họ tuyệt thực ít nhất một ngày để ủng hộ ông Thức.