Cựu thủ tướng Việt Nam lần đầu xuất hiện sau khi rời nhiệm sở tại Thiên Hưng, một ngôi chùa nhiều người coi là “thiêng” ở Bình Định, củng cố tuyên bố “ráng làm người tử tế”.
Trong các bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, được cho là chụp đầu tuần này, ông Dũng tươi cười nói chuyện và chụp chung ảnh với các nhà sư của chùa.
Trong khi nhiều trang web “lề trái” đăng tải các bức ảnh này, báo chí chính thống hầu như không đưa tin, trái ngược với việc mọi động thái của ông Dũng được truyền thông nhà nước “săn đón” khi còn tại vị.
Đã nói là tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà. Quan chức thì quan chức chứ, thoát ra bộ đồ của công chức, người ta có làm gì đâu, người ta lên chùa có xưng ông này, bà nọ đâu mà mình nói?”Ông Trần Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TPHCM, nói.
Đây không phải lần đầu tiên chùa Thiên Hưng đón tiếp các quan chức cấp cao của Việt Nam.
Khi được hỏi rằng vì sao các quan chức ở Việt Nam thường “chăm đi lễ chùa”, ông Trần Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP HCM, nói với VOA Việt Ngữ:
“Cái đó là một sự tín ngưỡng của người ta, mình đâu có thể nào ngăn cản được. Người ta làm điều mà nhà nước không cấm. Người ta đi lễ chùa, người ta đi cúng phật thì chuyện đó là của người ta, làm sao mà mình có ý kiến được. Đã nói là tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà. Quan chức thì quan chức chứ, thoát ra bộ đồ của công chức, người ta có làm gì đâu, người ta lên chùa có xưng ông này, bà nọ đâu mà mình nói?”
Ông Dũng chính thức nghỉ hưu đầu tháng này, sau khi người kế nhiệm Nguyễn Xuân Phúc được quốc hội thông qua và tuyên thệ nhậm chức hôm 7/4.
Trong kỳ Đại hội Đảng 12 hồi tháng Một, ông Dũng “xin rút” để “về nghỉ chính sách”, sau khi có nhiều đồn đoán rằng ông sẽ chạy đua vào chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam với ông Nguyễn Phú Trọng.
Hiện cựu thủ tướng Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào về kế hoạch sắp tới của ông.
Niềm tin này nó là một đặc trưng của tôn giáo. Không có một tôn giáo nào mà không có tín ngưỡng. Hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức người ta cũng dựng ngọn cờ tôn giáo lên, mà bao nhiêu con người người ta tin theo đó?”Ông Trần Hoàng Hảo nói về niềm tin tôn giáo ở Việt Nam.
Lời khuyên “ráng làm người tử tế, sống tử tế” của ông Dũng trong phiên họp cuối cùng trên cương vị người đứng đầu chính phủ Việt Nam hôm 26/3 đã thu hút nhiều quan tâm của dư luận.
Theo báo chí trong nước, đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng tới thăm chùa Thiên Hưng, cũng như “cung nghinh Xá Lợi” với nhà sư trụ trì chùa, Đại Đức Thích Đồng Ngộ.
Về niềm tin tôn giáo ở Việt Nam, ông Trần Hoàng Hảo nhận định:
“Niềm tin này nó là một đặc trưng của tôn giáo. Không có một tôn giáo nào mà không có tín ngưỡng. Hiện nay trên thế giới có nhiều tổ chức người ta cũng dựng ngọn cờ tôn giáo lên, mà bao nhiêu con người người ta tin theo đó?”
Nhà nghiên cứu về tôn giáo này nói thêm rằng có tình trạng “buôn thần bán thánh” ở Việt Nam, nhưng “chúng tôi giải thích cho người dân hiểu để người ta không bị lợi dụng”.
Không chỉ tới chùa ở Việt Nam, trong chuyến công du Ấn Độ năm 2014, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tới thăm thành phố Bodh Gaya (Bồ Đề đạo tràng), bang Bihar, nơi đức Phật thành đạo.
Trong các cuộc họp với quan chức nước chủ nhà, ông Dũng cũng đề nghị Ấn Độ xem xét cho phép cấp visa trực tiếp cho công dân Việt Nam tại cửa khẩu sân bay quốc tế Bodh Gaya và sớm mở đường bay thẳng tới thành phố này.
Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền bang Bihar nói chung và chính quyền quận Bodh Gaya “tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tăng ni Phật tử Việt Nam tu hành tại đất Phật linh thiêng, cũng như các Phật tử và du khách Việt Nam đến hành hương và thăm viếng”.
Your browser doesn’t support HTML5