Cựu tù nhân Nguyễn Viết Dũng cho VOA biết rằng ông đã phải rời khỏi Việt Nam vì đối mặt với những khó khăn của quy định án quản chế tại Nghệ An, bị mời “làm việc” vì các bài đăng gần đây trên Facebook, và bị đe dọa tống giam lần thứ ba.
“Hiện tôi đã rời khỏi Việt Nam được một thời gian. Lý do tôi rời khỏi Việt Nam là nhà cầm quyền gây khó khăn cho tôi trong vấn đề đi khám chữa bệnh, đặt ra rất nhiều rào cản và đe dọa sẽ bắt giữ lần thứ ba”, ông Dũng nói với VOA hôm 29/11, nhưng không tiết lộ địa phương ông đang lưu trú vì lý do an toàn.
Sau khi mãn hạn 6 năm tù vào tháng 9/2023, ông Dũng tiếp tục chịu án quản chế 5 năm vì cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”, theo đó hàng tháng ông phải đến trình diện với chính quyền địa phương.
Ông Dũng cho biết về nội dung lần trình diện vào tháng 11/2023:
“Tôi cảm thấy khá bất an khi PA02- Cơ quan An ninh Điều tra tỉnh – bước vào và làm việc với tôi. Họ đặt lên bàn những bài viết mà tôi đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân trong thời gian vừa rồi, cộng với những bài mà bạn bè tôi viết nhưng có tag tên tôi và hiển thị trên trang Facebook cá nhân cũng được họ in ra và đặt lên bàn. Những bài đăng đó có nội dung cũng khá ôn hòa nhưng cũng bị họ đặt trên bàn và bắt tên ký xác nhận là tôi “có đăng tải các bài viết” lên trang Facebook cá nhân.
“Khi họ làm việc họ cũng nói những lời mà theo tôi là ngôn ngữ đe dọa. Họ nói rằng tôi muốn đi khám chữa bệnh, ổn định cuộc sống, tìm công ăn việc làm mà tôi cứ “đăng tải liên tục trên Facebook thế này và cứ trả lời báo đài” - mà họ gọi là “phản động” thì “chúng tôi làm sao xét duyệt cho anh được?”.
VOA đã liên lạc Công an tỉnh Nghệ An, công an huyện Yên Thành để tìm hiểu về cáo buộc ông bị chính quyền “làm việc” về các bài đăng trên Facebook, và đe dọa như trên, nhưng chưa được phản hồi.
XEM THÊM: Cựu tù nhân Nguyễn Viết Dũng tố cáo ‘bị bức cung’, ‘kết án oan’Trong một phiên xử vào tháng 4/2018, ông Dũng bị tuyên 7 năm tù và 5 năm quản chế, sau đó vào tháng 8/2018, mức án giảm xuống còn 6 năm tù và 5 năm quản chế về hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự.
“Khi rời khỏi Việt Nam tôi cũng lường trước rằng sẽ trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đứng trước hai sự lựa chọn: thứ nhất, bị bắt giữ trở lại rồi bị vào tù với bản án khá lâu như lời họ đe dọa tôi và, thứ hai, buộc phải rời khỏi Việt Nam. Lúc đó tôi buộc phải chọn ra đi…”, nhà hoạt động 37 tuổi nói với VOA.
Ông Dũng cho biết thêm rằng kể từ khi ông rời khỏi Việt Nam, chính quyền địa phương thường xuyên đến sách nhiễu gia đình ông:
“Vừa rồi, gia đình tôi phải chịu rất nhiều áp lực và sau khi nhà cầm quyền biết rằng tôi đã rời khỏi nơi cư trú họ phiền nhiễu gia đình tôi liên tục và hầu như ngày nào cũng đến, có lúc chỉ có cơ quan cấp xã đến, có lúc có cả công an cấp huyện và nhiều khi có công an cấp tỉnh đến…”
Hồi năm 2015, ông Dũng từng bị tuyên 15 tháng tù vì tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự, sau khi tham gia tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội.
Theo pháp luật Việt Nam, quản chế là “buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương”. Án này thường được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm “an ninh quốc gia”, theo đó, trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân.
Chính quyền Việt Nam phát lệnh truy nã đối với những cựu tù nhân chính trị mà họ cho rằng đã “rời khỏi địa phương và không chấp hành án quản chế”. Một số nhà hoạt động hiện đang bị Việt Nam truy nã vì lý do này như Lê Văn Sơn, Thái Văn Dung, Trần Minh Nhật.