Tổng thống Obama lần cuối là chủ nhà Hội nghị Hạt nhân

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama phát biểu trong Phòng ăn của Nhà Trắng ở Washington, thứ Tư, ngày 30 tháng 3 năm 2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân lần thứ tư và là lần cuối cùng của ông tại Washington trong tuần này, trong khi hàng tấn nguyên liệu hạt nhân vẫn bị quản lý lỏng lẻo, không được bảo vệ đúng mức và có thể bị những kẻ khủng bố hoặc các cá nhân khác có mục đích xấu tiếp cận được

Tòa Bạch Ốc nói tuy không thể xác định khả năng xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân của các nhóm cực đoan, song có 2.000 tấn uranium làm giàu ở mức cao và plutonium phân tách cùng với các chương trình dân sự và quân sự trên toàn thế giới.

"Chúng ta biết rằng các tổ chức khủng bố mong muốn được tiếp cận với những nguyên liệu thô này và chúng khao khát có một thiết bị hạt nhân", Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes cho hay, ông nói thêm rằng điều đó làm "tăng gấp nhiều lần" sự cần thiết phải hợp tác an ninh hạt nhân quốc tế.

Lần đầu tiên, hội nghị thượng đỉnh sẽ bao gồm một phiên họp đặc biệt về cách thức để đảm bảo rằng các nhóm như Nhà nước Hồi giáo không thể chạm tay vào các vật liệu hạt nhân.

Hội nghị hai năm một lần này sẽ diễn ra vào thứ Năm và thứ Sáu, sẽ bao gồm các đoàn đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia, họ sẽ thảo luận về các mối đe dọa hạt nhân và cách ngăn chặn chúng.

Tuy đã có tiến bộ kể từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong năm 2010, song "Tôi không nghĩ rằng đã đạt được mục tiêu tổng thể về bảo vệ chắc chắn các vật liệu hạt nhân dễ gặp nguy cơ nhất vòng trong bốn năm", Sharon Squassoni thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói. "Hiện vẫn có các nguyên liệu ở ngoài kia, và đó là uranium được làm giàu ở mức cao".

Các chuyên gia nói vần còn các lỗ hổng an ninh vì nhiều lý do: vẫn chưa có khuôn khổ quốc tế để theo dõi các vật liệu hạt nhân; một số quốc gia không sẵn lòng mở ra nguồn cung cấp dành cho mục đích sử dụng thương mại; và một số quân đội đã không thể đồng ý về cách thức xử lý các vật liệu hạt nhân của họ.

Tổng thống Obama khởi xướng hội nghị thượng đỉnh hạt nhân qua một bài phát biểu năm 2009 tại Prague, khi đó ông kêu gọi về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Các chính sách của Mỹ để đạt mục tiêu này đã tập trung vào giải giáp vũ khí hạt nhân, không phổ biến, an ninh hạt nhân và năng lượng hạt nhân.

Tòa Bạch Ốc đã nêu ra nhiều thành công kể từ đó, chẳng hạn như thỏa thuận hạt nhân Iran gây nhiều tranh cãi, theo đó Tehran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ trừng phạt. Tòa Bạch Ốc cũng kể ra 260 cam kết an ninh quốc gia, trong đó gần 3/4 đã được thực thi.

Những cam kết này đã dẫn đến việc loại bỏ các vật liệu hạt nhân tại hơn 50 cơ sở ở 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, đủ nguyên liệu cho 130 vũ khí hạt nhân, Tòa Bạch Ốc cho hay. Trong số những cơ sở đó, một số nằm ở Ukraine, Nhật Bản, Đài Loan và các quốc gia trên khắp châu Âu và Nam Mỹ.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ với Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về các mối đe dọa của Bắc Triều Tiên và làm thế nào để tăng cường hợp tác an ninh.

"Ba quốc gia chúng tôi nhận thấy an ninh của chúng tôi có liên kết với nhau và chúng tôi cần phải làm việc chặt chẽ với nhau để ứng phó với thách thức này", Dan Kritenbrink, Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia chuyên trách vấn đề châu Á cho biết. "Tôi tiên liệu ba nước sẽ kêu gọi tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế cùng tham gia việc thực thi các biện pháp của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên."

Ông Obama cũng sẽ thảo luận về các hoạt động hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dự kiến hai ông cũng sẽ thảo luận về vấn đề nhạy cảm là các hành động ngày càng mở rộng của Bắc Kinh ở Biển Đông, đã làm tăng căng thẳng với các nước láng giềng.

Sự vắng mặt của Nga

Nga đã từ chối tham dự hội nghị thượng đỉnh cuối cùng này, họ nói rằng các cuộc họp đã hết vai trò. Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm thứ Tư nói: "Chúng tôi mong họ tham gia một cách xây dựng thì tốt hơn".

Các quan chức Mỹ khác lo ngại.

"Nga đã sử dụng lời lẽ ngày càng khắc nghiệt liên quan đến chính sách hạt nhân và điều đó rất đáng quan ngại", Frank Rose, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Vụ Kiểm soát, Xác minh, và Tuân thủ về Vũ khí, nhận xét.

Olga Oliker, Giám đốc Chương trình Nga và Vùng Á-Âu của CSIS, cho biết Moscow vắng mặt là liên quan đến mối quan hệ căng thẳng sau khi Moscow sáp nhập Crimea trong năm 2014.

"Họ đang gửi đi rất nhiều tín hiệu đến Mỹ và thế giới rằng họ cũng quan trọng, là một cường quốc và họ tự vạch ra con đường của riêng mình" bà nói. "Một vấn đề nữa là Nga chưa bao giờ là người ủng hộ nhiều nhất đối với diễn đàn này. Họ thích những cơ chế quốc tế rộng lớn hơn".