Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công khai gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là tội phạm chiến tranh, nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng việc xét xử ông Putin hay các lãnh đạo khác của Nga sẽ gặp những chướng ngại và có thể phải mất nhiều năm ròng.
Tội phạm chiến tranh được định nghĩa thế nào?
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) tại The Hague định nghĩa tội phạm chiến tranh là “vi phạm trầm trọng” Công ước Geneva hậu Thế chiến Thứ hai, những thỏa thuận đặt nền tảng cho các luật nhân đạo quốc tế được tôn trọng trong thời chiến. Những vi phạm bao gồm cố ý nhắm vào thường dân và tấn công vào các mục tiêu quân sự nơi thiệt hại thường dân sẽ “quá mức,” theo các chuyên gia pháp lý.
Ukraine và các đồng minh phương Tây tố cáo Nga nhắm vào thường dân bừa bãi. Nga mô tả cuộc xâm lược Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và phủ nhận việc nhắm mục tiêu thường dân. Họ nói mục đích của họ là “giải giới và phi quốc xã hóa” Ukraine, những tuyên bố mà Kyiv và phương Tây cho là vô căn cứ.
Liên Xô phê chuẩn Công ước Geneva vào năm 1954. Nga vào năm 2019 thôi công nhận một trong những nghị định thư, nhưng vẫn là một bên ký kết vào các phần còn lại của thỏa thuận.
ICC, thành lập năm 2002, khác với Toà Công lý Quốc tế, một cơ quan Liên hiệp quốc xét xử các tranh chấp giữa các nước.
Một vụ kiện tiến hành ra sao?
Công tố viên trưởng của Tòa Hình sự Quốc tế, Karim Khan, tháng này cho biết đã mở cuộc điều tra về khả năng có tội ác chiến tranh tại Ukraine.
Nga lẫn Ukraine không phải là thành viên của ICC. Moscow không công nhận tòa này. Ukraine đã chấp nhận để tòa án xem xét những tội ác trên lãnh thổ Ukraine từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Nga có thể quyết định không hợp tác với ICC và việc xét xử sẽ bị trì hoãn cho đến khi có một bị cáo bị bắt.
“Việc này sẽ không ngăn tòa án quốc tế theo đuổi việc truy tố và ban hành lệnh bắt,” giáo sư luật Đại học American, Rebecca Hamilton, nhận định.
Bằng chứng tiêu chuẩn là gì?
ICC sẽ ban hành trát bắt nếu các công tố viên chứng minh có “cơ sở hợp lý để tin” là có tội ác chiến tranh. Để có được lệnh truy tố, công tố viên phải chứng minh tội lỗi của bị đơn vượt quá những sự nghi ngờ hợp lý, các chuyên gia nói.
Đối với hầu hết những vụ truy tố, phải chứng minh có sự cố ý. Một cách mà công tố viên có thể làm là chứng minh không có mục tiêu quân sự trong khu vực bị cuộc tấn công và rằng đây không phải là một tai nạn.
“Nếu việc này tiếp tục xảy ra nhiều lần và chiến lược dường như nhắm vào thường dân tại những khu vực thành thị, thì đó có thể là một chứng cứ rất mạnh mẽ về một sự cố ý,” ông Alex Whiting, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật Harvard nói.
Ai có thể bị truy tố?
Một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh có thể tập trung vào các binh sĩ, cấp chỉ huy và nguyên thủ quốc gia, các chuyên gia nói.
Công tố viên có thể đưa ra bằng chứng là ông Putin hay một lãnh đạo khác phạm tội ác chiến tranh bằng cách trực tiếp ra lệnh một cuộc tấn công bất hợp pháp hoặc là đã biết có tội ác chiến tranh nhưng không ngăn chặn.
Bà Astrid Reisinger Corocini, giảng viên tại Khoa Luật Quốc tế, Đại học Vienna, cho biết đội ngũ ICC đối mặt với một thách thức trong việc trưng ra bằng chứng liên hệ tội ác trên thực địa với lệnh từ lãnh đạo cấp cao.
“Và càng lên cấp cao hơn thì càng khó chứng minh,” bà nói.
Điều gì khiến cho kết án tội ác chiến tranh khó khăn?
Các chuyên gia pháp lý nói việc đánh bom vào một bệnh viện hộ sản tại Mariupol và một nhà hát được ghi dấu là nơi trú bom của trẻ em dường như rơi đúng vào định nghĩa của tội ác chiến tranh. Nhưng để đi tới việc kết tội là một quá trình khó khăn.
Ngoài những khó khăn về việc chứng minh cố ý và liên kết các lãnh đạo trực tiếp với những cuộc tấn công cụ thể, các công tố viên có thể cũng gặp khó khăn trong việc thu thập bằng chứng, bao gồm lời khai của nhân chứng, những người có thể bị đe dọa hay không muốn lên tiếng.
Trong trường hợp Ukraine, các công tố viên ICC sẽ lục soát các video và các bằng chứng bằng hình ảnh đã công khai.
“Đây không phải là một tiến trình nhanh chóng,” ông Hamilton nói.
Mang bị cáo ra xét xử cũng có thể khó khăn. Chắc chắn là Moscow từ chối tuân thủ trát bắt. ICC sẽ phải truy lùng những bị cáo khả dĩ để xem họ có tới những quốc gia mà nơi đó họ có thể bị bắt hay không.
Có tiền lệ nào không?
Kề từ khi ICC được thành lập, ICC đã xem xét 30 vụ án, trong số này có những vụ có nhiều bị cáo, website của tòa cho biết. Các thẩm phán ICC đã kết án 5 người phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng, và tha bổng 4 người khác. Lãnh chúa Congo, Thomas Lubanga Dyilo, bị kết án vào năm 2012.
Tòa ICC đã ra trát bắt một số bị can tại đào trong đó có Joseph Kony, lãnh đạo nhóm dân quân Quân Kháng chiến của Chúa.
Vào năm 1993, Liên hiệp quốc thành lập Toà Hình sự Quốc tế riêng cho Nam Tư trước đây để xem xét những cáo buộc phạm tội xảy ra trong chiến tranh Balkan. Tòa án này, đóng cửa vào năm 2017, đã buộc tội 161 người và kết án 90 cá nhân.
Cựu Tổng thống Liberia, Charles Taylor, bị một tòa án đặc biệt của Liên hiệp quốc kết án.
Các chuyên gia pháp lý nêu khả năng thành lập một tòa án riêng rẽ để xem xét tội ác chiến tranh tại Ukraine, có thể thực hiện qua Liên hiệp quốc hay một hiệp ước.