Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm ngoái để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, Thông tấn xã Cộng hòa Slovakia TASR dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Nội vụ nước này cho biết.
Nếu việc này được xác nhận thì nó sẽ khiến phía Slovakia bất bình và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp giữa nước này với Việt Nam, cũng theo Bộ Nội vụ nước này.
Chiếc xe khả nghi
Trước đó, truyền thông Đức đã tường thuật rằng Slovakia có khả năng có liên quan đến vụ bắt giữ ông Thanh hồi mùa hè năm ngoái khi ông này đang tìm cách xin tị nạn chính trị ở Đức. Theo đó, phía Đức đã liên kết vụ bắt giữ này, được cho là do mật vụ Việt Nam làm, với chuyến công tác chính thức của ông Tô Lâm đến Slovakia vì một số nghi phạm bắt giữ ông Thanh có thể đã có mặt ở Bratislava, thủ đô của Slovakia, khi ông Lâm đến thành phố này.
Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức tường thuật rằng trong cuộc gặp giữa các quan chức Việt Nam và Slovakia tại khách sạn chính phủ Bôrik vào ngày 26 tháng 7 năm 2017, có một chiếc xe cũng đậu tại khách sạn mà trên xe là những người tình nghi là mật vụ Việt Nam tham gia bắt ông Thanh. Vụ việc này được cho là xảy ra ba ngày sau vụ bắt ông Thanh, dựa trên dữ liệu định vị toàn cầu GPS mà cơ quan công tố của Đức có được.
Tờ báo Đức này cho rằng Slovakia có thể đã giúp Việt Nam che đậy vụ việc mà họ cho là ‘bắt cóc’. Cho đến nay, thông tin chính thức từ phía Việt Nam luôn cho rằng Trịnh Xuân Thanh ‘tự nguyện về nước đầu thú’.
Bộ Nội vụ Slovakia bày tỏ quan ngại và thừa nhận rằng phái đoàn Việt Nam đã thay đổi lịch trình một cách vội vã nên họ đã cung cấp cho đoàn Việt Nam một chuyên cơ chính phủ. Lúc đầu theo lịch trình thì phái đoàn Việt Nam không đến Slovakia mà là hạ cánh xuống Vienna, Áo. Tuy nhiên vì lý do gì đó mà đoàn Việt Nam lại chuyển hướng đến thủ đô Prague của Cộng hòa Czech. “Do có sự thay đổi lịch trình và chương trình làm việc ngay sau đó ở Moscow, Nga, nên chúng tôi đã cấp cho họ một chuyên cơ chính phủ để chở họ từ Prague đến Bratislava rồi sau đó đến Moscow,” nhật báo Sme dẫn lời Bộ Nội vụ Slovakia cho biết nhưng không nói rõ những ai có mặt trên chiếc máy bay đó.
Do đó mà Bộ Nội vụ Slovakia cho rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm, người đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó là ông Robert Kaliňák vào ngày 26/7 năm 2017, có thể đã được sử dụng cho mục đích nào khác thay vì mục đích làm việc và hữu nghị, cơ quan báo chí của bộ này nói với hãng thông tấn TASR và cho biết thêm rằng mục đích chuyến thăm của ông Tô Lâm chính thức là để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Kể từ tháng Tám năm ngoái, Bộ Nội vụ Slovakia đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan điều tra của Đức để xác minh vụ việc, cũng theo thông tin mà Bộ này cung cấp cho TASR.
Ảnh hưởng quan hệ
“Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước,” thông cáo của Bộ Nội vụ gửi cho TASR viết.
Phát biểu trên chương trình trò chuyện đặc biệt của Đài TV Markíza hôm 29/4, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini nói rằng ông sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết về việc liệu Slovakia có liên quan đến vụ việc bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh hay không. Ông nói rằng hiện giờ ông chưa có thông tin chi tiết gì.
Theo nhật báo Denník N của Slovakia thì Đảng Smer cầm quyền ở nước này xem Việt Nam là một đối tác kinh tế rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả Hoa Kỳ, theo như lời Bộ trưởng Kinh tế Peter Žiga nói hồi năm ngoái.
Tờ báo này cũng cho biết một người có tên là Lê Hồng Quân, một người Việt Nam có quốc tịch Slovakia và là cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico, đã chào mời những tập đoàn Viettel, MobiFone và VNPT đầu tư vào Slovakia. Ông này hiện là nhà ngoại giao hàng đầu đại diện cho Hà Nội ở Cộng hòa Slovakia với chức vụ tham tán.