Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lại ra hầu tòa hôm thứ Tư 24/1, bắt đầu cho phiên xử tham ô thứ nhì, hai ngày sau khi bị kết án tù chung thân về tội tham ô tại phiên tòa thứ nhất.
Hãng tin AP hôm 24/1 nói ông Thanh là một trong 8 bị cáo bị buộc tội tham ô trong phiên xử dự kiến kéo dài hai tuần. Các phương tiện truyền thông nước ngoài không được tiếp cận phiên toà này.
Hôm 22/1, ông Thanh, 51 tuổi, bị kết án tù chung thân vì tội tham ô trong vụ án lớn nhất Việt Nam trước làn sóng bài trừ tham nhũng mạnh tay của chính quyền Hà Nội.
Trong số 22 bị cáo bị kết án trong vụ án kết thúc hôm thứ Hai có ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị, thành viên cao cấp của chính phủ, nguyên chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ông Thăng là thành viên đầu tiên trong Bộ Chính bị truy tố trong hàng thập kỷ qua, ông bị tuyên án tù 13 năm vì quản lý kinh tế kém, một tội danh mà luật pháp Việt Nam gọi là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Trong vụ án thứ nhì còn có ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng và 6 bị can khác, bị cáo buộc tham ô 14 tỉ đồng vào năm 2010. Ông Đinh Mạnh Thắng từng là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà.
Trước đó Bộ Công An nói rằng ông Đinh Mạnh Thắng đã chuyển một vali chứa 14 tỷ đồng cho ông Trịnh Xuân Thanh.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trước đây nói rằng ông muốn “khẩn trương” đưa ra xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ông cho là một vụ án “đặc biệt.” Ông Thanh được coi là một ‘mắt xích quan trọng’ trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng.
Chiến dịch gọi là “đốt lò” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây chấn động sau khi Ủy viên bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt hôm 8/12/2017. Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là “thuộc hạ thân tín” của ông Đinh La Thăng.
Chính phủ Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin và đưa ông về Việt Nam hôm 23/7/2017.
Your browser doesn’t support HTML5