Các tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo và các nhóm dân quyền đệ đơn kiện đầu tiên thách thức các lệnh hành pháp mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký sau khi nhậm chức, bao gồm một sắc lệnh tìm cách bác quyền có quốc tịch Mỹ theo nơi sinh.
Một liên minh gồm 18 tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo cùng với thủ đô Washington và thành phố San Francisco đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại Boston vào ngày 21/1 lập luận rằng nỗ lực của tổng thống đảng Cộng hòa nhằm chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh là hành vi vi phạm trắng trợn Hiến pháp Hoa Kỳ.
Vụ kiện diễn ra sau hai vụ kiện tương tự do Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ, các tổ chức di dân và một thai phụ đệ trình trong những giờ sau khi ông Trump ký sắc lệnh, đánh dấu vụ kiện lớn đầu tiên thách thức các phần trong chương trình nghị sự của ông kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.
“Các tổng chưởng lý tiểu bang đã chuẩn bị cho các hành động bất hợp pháp như thế này và vụ kiện ngay lập tức hôm nay gửi một thông điệp rõ ràng tới chính quyền Trump rằng chúng tôi sẽ bảo vệ người dân và các quyền hiến định cơ bản của họ”, Tổng chưởng lý New Jersey Matthew Platkin nói trong một tuyên bố.
Tòa Bạch Ốc đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Các vụ kiện, tất cả đều được đệ trình lên các tòa án liên bang ở Boston hoặc Concord, New Hampshire, nhắm vào một phần cốt lõi trong cuộc trấn áp di dân toàn diện của ông Trump. Lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang không công nhận quyền có quốc tịch Mỹ của các trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ mà mẹ của các em đang có mặt tại Mỹ bất hợp pháp hay đang tới Mỹ ngắn hạn bằng các visa tạm thời, và các em có cha không phải là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp.
Dự kiến sẽ có thêm nhiều vụ kiện của các tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo và các nhóm vận động thách thức các khía cạnh khác trong chương trình nghị sự của ông Trump, với các vụ kiện đã được đệ trình thách thức Bộ Hiệu quả Chính phủ do ông Elon Musk lãnh đạo và một lệnh mà đảng Cộng hòa đã ký làm suy yếu các biện pháp bảo vệ công ăn việc làm cho công chức.
Tiền lệ của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ năm 1898
Bất kỳ phán quyết nào từ các thẩm phán ở Massachusetts và New Hampshire đều có thể phải được xem xét lại bởi Tòa Phúc thẩm Liên bang số 1 có trụ sở tại Boston, nơi có năm thẩm phán liên bang đều là người được các tổng thống đảng Dân chủ bổ nhiệm, một điều hiếm thấy trên toàn quốc.
Các vụ kiện cho rằng lệnh hành pháp của ông Trump vi phạm quyền được ghi trong Điều khoản Công dân của Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, quy định rằng bất kỳ ai sinh ra ở Hoa Kỳ đều được coi là công dân Mỹ.
Các khiếu nại trích dẫn phán quyết năm 1898 của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ trong vụ kiện giữa Hoa Kỳ và Wong Kim Ark, một phán quyết cho rằng trẻ em sinh ra ở Hoa Kỳ có cha mẹ không phải là công dân Mỹ có quyền có quốc tịch Mỹ.
Nếu được chấp thuận, lệnh của ông Trump sẽ khiến hơn 150.000 trẻ em sinh ra hằng năm tại Hoa Kỳ lần đầu tiên bị từ chối quyền có quốc tịch Mỹ, theo văn phòng Tổng chưởng lý Massachusetts, Andrea Joy Campbell.
“Tổng thống Trump không có thẩm quyền tước bỏ các quyền hiến định”, bà nói trong một tuyên bố.
Các nguyên đơn thách thức lệnh này bao gồm một phụ nữ sống tại Massachusetts được xác định là “O. Doe”, người đang ở trong nước Mỹ nhờ quy chế bảo vệ tạm thời của Mỹ dành cho công dân một số nước và dự kiến sinh con vào tháng 3.
Quy chế bảo vệ tạm thời này dành cho những người có quê hương bị thảm họa thiên tai, xung đột vũ trang hoặc các sự cố bất thường khác. Quy chế này hiện đang bảo vệ hơn 1 triệu người từ 17 quốc gia.
Một số vụ kiện khác thách thức các khía cạnh của các hành động hành pháp ban đầu khác của ông Trump cũng đang chờ xử lý.
Liên đoàn Nhân viên Ngân khố Quốc gia, đại diện cho các nhân viên chính phủ liên bang tại 37 cơ quan và bộ phận, đã đệ đơn kiện vào cuối ngày 20/1 thách thức một lệnh mà ông Trump đã ký mà qua đó tạo điều kiện dễ dàng hơn để sa thải hàng nghìn nhân viên của các cơ quan liên bang và thay thế họ bằng những người trung thành chính trị.
Một số vụ kiện khác của các công đoàn viên chức chính phủ và các nhóm lợi ích công cộng cho rằng nhóm cố vấn do ông Elon Musk đứng đầu có tên là Bộ Hiệu quả Chính phủ đã vi phạm luật minh bạch liên bang.
Tòa Bạch Ốc nói: “Những người theo chủ nghĩa cánh tả cấp tiến có thể chọn bơi ngược dòng và từ chối ý chí áp đảo của người dân, hoặc họ có thể tham gia và hợp tác với Tổng thống Trump để thúc đẩy chương trình nghị sự được lòng dân của ông. Những vụ kiện này không gì khác hơn là bành trướng sự phản kháng của cánh tả — và Chính quyền Trump đã sẵn sàng đối mặt với các vụ kiện đó tại tòa án.”