Đại cử tri đoàn ngày 19/12 vừa chính thức xác nhận ông Donald Trump làm Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Với trên 270 phiếu đại cử tri được bảo toàn, tỷ phú ‘bạo ngôn’ này sẽ chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc trong lễ tuyên thệ vào ngày 20/1 tới đây.
Theo luật định, 41 ngày sau tổng tuyển cử, các đại cử tri của mỗi tiểu bang và khu vực thủ đô Washington DC tụ họp lại để bỏ phiếu đại cử tri, xác quyết người đắc cử làm lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới trong nhiệm kỳ 4 năm tới đây.
Các đại cử tri, đặc biệt là các đại cử tri bên đảng Cộng hòa, đã nhận rất nhiều cú điện thoại, email, và thậm chí là những lời đe dọa yêu cầu bỏ phiếu cho người khác ngoài Trump. Rất nhiều cuộc biểu tình phản đối Trump tiếp tục nổ ra khắp nơi trong ngày bỏ phiếu quyết định hôm nay. Nhưng kết quả chung cuộc không thay đổi so với kết quả tổng tuyển cử hôm 8/11 vừa qua: nước Mỹ chọn Trump, người Mỹ muốn thay đổi.
Your browser doesn’t support HTML5
51 cuộc họp (ở 50 tiểu bang và thủ đô Washington) được tổ chức cùng ngày để các đại cử tri cùng bỏ phiếu. Đa số các đại cử tri tề tựu về thủ phủ các bang họ đại diện, thường là tòa nhà quốc hội của bang, để bỏ phiếu xác nhận Tổng thống thắng cử và nhiều bang đã trực tiếp truyền hình cuộc bỏ phiếu qua mạng lưới internet và truyền hình để dân chúng khắp nơi theo dõi cặn kẽ.
Đại cử tri đoàn của Mỹ gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm một lần họp lại để bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Các đại cử tri đại diện cho cử tri trong bang chính là những người bầu trực tiếp ra Tổng thống và Phó Tổng thống.
Luật sư Cao Quang Ánh, cựu dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa từ năm 2009 đến 2011, người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ, chia sẻ với VOA Việt ngữ:
“Cách đây chừng 200 năm, họ đã quyết định hệ thống bầu cử như vậy. Một trong những vấn đề họ lo là họ không muốn những tiểu bang lớn có nhiều ảnh hưởng quá đối với những tiểu bang nhỏ, không muốn những tiểu bang lớn có thể quyết định ai là Tổng thống. Từ sự lo sợ đó, họ đã thành lập hệ thống hiện tại Electoral College (đại cử tri đoàn).”
Đại cử tri là ai? Quyết định thắng thua trên lá phiếu đại cử tri, vậy tại sao nước Mỹ vẫn cần tổ chức phổ thông đầu phiếu tốn kém thời gian và tiền bạc như vậy? Ứng viên Donald Trump dù thua đối thủ Hillary Clinton về tổng số phiếu phổ thông toàn quốc nhưng vẫn đánh bại được bà Clinton nhờ lấn át về số phiếu đại cử tri, trên 270 phiếu. Việc này khiến mô hình bầu cử Mỹ gặp một số chỉ trích, nhưng cựu dân biểu Cộng hòa, Cao Quang Ánh, giải thích:
“Những người đại cử tri không phải là những dân biểu hay thượng nghị sĩ. Dựa trên số ghế dân biểu và thượng nghị sĩ của mỗi tiểu bang để quyết định có bao nhiêu đại cử tri đại diện cho tiểu bang đó. Mỗi tiểu bang họ lựa chọn các đại cử tri. Các đại cử tri phải bỏ phiếu dựa vào luật lệ mà Quốc hội tiểu bang họ đưa ra và dựa vào lá phiếu các cử tri phổ thông trong tiểu bang của họ. Ứng viên nào thắng được phiếu phổ thông tại một tiểu bang thì sẽ được hết số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Cử tri trong tiểu bang đã quyết định người đại cử tri cần phải đứng ra bỏ phiếu cho ai. Cho nên, cuối cùng cũng là người dân họ quyết định, chứ không phải người đại cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì bỏ.”
Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống.
Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang bằng tổng số thượng nghị sĩ của bang, thường là 2, và số dân biểu của tiểu bang đó. Đặc biệt vùng thủ đô Washington có 3 phiếu đại cử tri mặc dù không có dân biểu hay thượng nghị sĩ đại diện ở Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo hiến định, một tháng sau cuộc bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ sẽ họp cả Hạ viện lẫn Thượng viện để tuyên bố người đắc cử. Ứng viên Tổng thống và ứng viên Phó Tổng thống mỗi người nhận được trên 270 phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố đắc cử.