Trân Văn
Ông Vũ Khoan, cựu Bí thư BCH TƯ đảng CSVN khóa 9, cựu đại biểu Quốc hội các khóa 10 và 11, cựu Phó Thủ tướng (2002 – 2006) vừa qua đời hôm 21/6/2023, hưởng thọ 86 tuổi (1). Trước nữa, ông Khoan từng là viên chức hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao (giữa thập niên 1960 đến cuối thập niên 1990). Sau khi thôi đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Ngoại giao, ông Khoan được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại (2000 – 2002).
Bởi ông Vũ Khoan qua đời giữa lúc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đang rơi vào tình trạng khủng hoảng về nhân sự: Thiếu người hữu dụng và thừa rất nhiều cá nhân có đủ loại chức vụ nhưng không biết làm gì, không muốn làm gì và chỉ tìm đủ cách để kiếm chác từ hoạt động công vụ rồi “hạ cánh an toàn” nên một số người am tường về chính trường mới nhân đó bàn về chuyện lựa chọn, sử dụng nhân sự của đảng CSVN...
***
Theo Victoire Vincent thì ông Khoan là một... “người cộng sản đàng hoàng”. Facebooker này kể lại câu chuyện chính phủ CSVN gạt các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào khu đô thị Phú Mỹ Hưng ở TP.HCM: Hứa hẹn đủ thứ để người ta bỏ tiền đầu tư vào đại lộ Nam Bình Chánh – Bắc Nhà Bè (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh, đầu tư vào Nhà máy điện Hiệp Phước),... nhưng khi các công trình hoàn tất thì lập trạm thu phí ở hai đầu đại lộ kèm quy định phải dùng tiền thu phí vào việc bảo dưỡng con đường, nếu thu không đủ thì phải xuất tiền ra bù vào còn dư thì phải... nộp hết cho chính quyền. Còn đối với Nhà máy điện Hiệp Phước thì không những không cho miễn thuế như đã hứa mà còn từ chối mua điện để gây sức ép, buộc phải biết điều... Do chủ đầu tư liên tục khiếu nại, chính phủ không thể né tránh mãi nên ông Khoan được cử làm... “Lê Lai”.
Ông Khoan đã đề nghị báo giới không ghi âm, không ghi hình để tại cuộc gặp các đại diện của chủ đầu tư ông có thể trực tiếp nói với họ bằng tiếng Hoa, đại ý: Chính phủ chúng tôi đã thất hứa với quý vị! Tôi xin lỗi về điều này! Tôi xin lắng nghe quý vị... Cả năm sau, khi mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với chính quyền CSVN đã được giải quyết, cho thu, cho miễn thuế nhưng không được chuyển lợi nhuận ra khỏi Việt Nam, ông Khoan không ngần ngại nhận xét: Điều đó giống như ta tháo còng tay nhưng cột chân họ lại (2)!
Giống như Victoire Vincent (cho rằng ông Khoan là một... “người cộng sản đàng hoàng” vì can đảm nhận lỗi), Hoàng Hải Vân kể một kỷ niệm nhỏ với ông Khoan - khi trả lời phỏng vấn với tư cách Bộ trưởng Thương mại, ông Khoan nhận định: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chưa có tiền lệ, cho nên phải dò đá qua sông, không tránh khỏi những vấp váp. Bởi nghĩ rằng nhận xét này có thể gây khó khăn cho ông Khoan, Hoàng Hải Vân đã tự ý lược bỏ nhận định này nhưng lúc xem lại bài trước khi đăng, ông Khoan tự tay viết vào bài phỏng vấn nhận định ấy của ông. Hoàng Hải Vân kể thêm rằng khi nghe ông Phan Văn Khải từ nhiệm, ông Võ Văn Kiệt bảo rằng: Ông Khoan là người tốt nhất đê đảm nhiệm vai trò Thủ tướng thay ông Khải nhưng tiếc rằng ông đã... “hết tuổi” để có thể ở lại BCH TƯ đảng (3).
***
Ngoài việc giới thiệu “tự sự” của ông Vũ Khoan về việc dùng người - Thứ nhất, phải trả lời được câu hỏi: Ta có thật lòng cần họ không và cần những loại nhân tài nào? Có người nói, khi đã cầu hiền tức là thừa nhận mình dốt, vậy điều trước hết là phải chấp nhận người ta giỏi hơn mình cái đã. Thứ hai, đã cầu hiền thì phải tạo môi trường, điều kiện cho người ta cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm vì người tài thích được đòi hỏi, thậm chí đòi hỏi khắt khe. Thứ ba, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều đâu mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng. Thứ tư, phải rộng lượng vì người tài hay có tật. Nếu vì tật nhỏ mà rũ bỏ thì thật hoài phí - những tật không ảnh hưởng tới công việc, không trái với nhân cách làm người, chẳng hạn tật hay cãi. Các cuộc họp mà không có người cãi thì chán lắm, đã dám dùng người tài thì phải chịu nghe họ. Đồng thời nhấn mạnh “hãy học làm người tử tế” vì “không làm người lương thiện thì khoan nói đến chuyện lý tưởng, hoài bão” và hối tiếc nhất là “có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn” – Nguyễn Tấn Thọ kể thêm chuyện phu nhân của ông Khoan nhận xét khi ông Khoan được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại: Ông đi chợ cho gia đình còn chả biết mà giờ lại đi chợ cho cả nước thì chết à? Nguyễn Tấn Thọ cho biết, việc trở thành Bộ trưởng Thương mại khiến ông Khoan hụt hẫng vì: Mình đang làm ngoại giao nay lại sang làm thương mại, nào có biết mua bán gì đâu (4)...
Dường như đó cũng là lý do Trương Huy San xem trường hợp ông Vũ Khoan “như một điển hình về công tác cán bộ” ... Trương Huy San cho biết, khi thăm dò ý kiến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội 10, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn Nguyễn Tấn Dũng nhưng ngoài yếu tố quá tuổi, ông Khoan không thể trở thành Thủ tướng còn vì điều mà ông Phan Văn Khải tiết lộ với Trương Huy San... “tương quan lực lượng không cho phép”. Trương Huy San cho rằng, “đó là một điều đáng tiếc vì 2006 là thời điểm Việt Nam hội nhập gần như hoàn toàn. Nếu đứng đầu chính phủ là một nhà kỹ trị, am hiểu quốc tế thì vị thế Việt Nam sẽ khác”.
Cứ như Trương Huy San kể thì Vũ Khoan không phải là trường hợp cá biệt. Tháng 2/2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Nghệ An. Trong tiệc tiễn do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Tuyển đọc thơ nói rằng, việc ra đi của ông đơn giản vì (Tổng Bí thư) cần “chỗ trống”. Chỗ trống để đưa Thứ trưởng kỳ cựu Vũ Khoan rời Bộ Ngoại giao, tạo “chỗ trống” cho ông Nguyễn Dy Niên lên bộ trưởng. Bộ Ngoại giao bắt đầu có vấn đề từ đây và “công tác cán bộ” bắt đầu có “màu sắc thị trường” khi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đưa Nguyễn Thanh Sơn lên làm trợ lý bộ trưởng, kiêm vụ trưởng Tổ chức cán bộ.
Bên cạnh yếu tố “tương quan lực lượng” dẫn đến chuyện “thay vì đưa một nhà kỹ trị đứng đầu chính phủ trong thời kỳ hội nhập thì đặt vào vị trí ấy một con người ít học và nhiều thủ đoạn như ông Nguyễn Tấn Dũng”, Trương Huy San lưu ý một yếu tố khác nữa. Đó là những “nguyên tắc”. Những “nguyên tắc” này cản đường ông Vũ Khoan trở thành Thủ tướng. Ví dụ ông Khoan... “Chỉ mới là Bí thư Trung ương Đảng, trong khi, ứng cử viên cho “tứ trụ” thường phải trải qua ít nhất một nhiệm kỳ Ủy viên Bộ chính trị. Những “nguyên tắc” kiểu đó “gần như được áp dụng cho ‘bộ tam’ các cấp” và cũng vì vậy mà ông Dũng được chọn làm Bí thư Kiên Giang, Thứ trưởng Công an, Thống đốc Ngân hàng rồi lên cao hơn nữa bằng các thủ đoạn triệt hạ những đối thủ ngáng đường của mình...
Trương Huy San kết luận: Chế độ đã chính trị hóa tất cả các mặt trong đời sống xã hội của đất nước. Hệ thống đã chính trị hóa mọi chức danh. Đành rằng, “chính trị chỉ có mục đích” nhưng làm sao để có một nền chính trị mà muốn đạt được mục đích không thể làm những việc phi đạo đức. Đành rằng, “chính trị là thủ đoạn”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà trong khi các nhà chính trị sát phạt nhau, các nhà kỹ trị như Vũ Khoan, Lê Đức Thúy… vẫn có không gian cống hiến (5).
Chú thích
(1) https://nld.com.vn/thoi-su/nguyen-pho-thu-tuong-chinh-phu-vu-khoan-qua-doi-20230621100301334.htm