Các nhà khoa học nói mức cesium phóng xạ trong nước biển ở ngoài khơi cao hơn khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại.
Chuyên gia về hóa học hải dương Ken Buesseler, một nhà khoa học kỳ cựu tại Viện Hải học Woods Hole, bang Massachussetts nằm trong số những người thực hiện cuộc nghiên cứu nước biển Thái Bình Dương hồi tháng 6 năm ngoái.
Ông Buesseler nói: “Một số nơi độ tập trung phóng xạ cao hơn từ 100 đến 1.000 lần trước khi tai nạn xảy ra tại Nhật Bản. Mức này vẫn còn thấp liên quan đến ảnh hưởng trực tiếp đối với con người khi bị tiếp xúc và những sinh vật sống trong nước biển. Và ngay cả nếu ăn hải sản sinh sống trong vùng biển này, thì đây là con đường chính làm cho con người có thể bị ảnh hưởng vào thời điểm này.”
Việc phát hiện được đăng trên tạp chí Proceedings của Hàn lâm viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ trong tuần này.
Mức tập trung tăng cao của chất Cesium-134 (ở mức 325 đơn vị phóng xạ becquerel trong một mét vuông) được phát hiện cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima hơn 600 kilômét.
Dòng chảy xoay tròn của đại dương, được gọi là xoáy nước, là nguyên nhân gây ra một điểm tụ điểm có phóng xạ cao nhất trên biển (khoảng 3.900 becquerel một mét vuông) ở vị trí cách bờ biển Fukushima 130 kilômét.
Ông Buesseler nói mức phóng xạ trong nước biển tương đương với mức phóng xạ của những tai nạn hạt nhân trong quá khứ như tại Chernobyl chẳng hạn.
Ông Buesseler nói: “Mọi người vẫn ăn cá tại biển Baltic và Hắc hải. Do đó tôi không quá lo ngại về việc đánh bắt cá ngoài khơi Nhật Bản. Tôi vẫn có những lo ngại về cá đánh bắt gần bờ hay là những sinh vật sống dưới đáy biển hay những loài tôm cua sò hến sống ở đáy biển.”
Đó là vì phóng xạ tích lũy trong trầm tích.
Các nhà sinh học hải dương cũng lo ngại về nước bị nhiễm phóng xạ vẫn tiếp tục thoát ra từ nhà máy Fukushima, cũng như phóng xạ vẫn tiếp tục tiết ra từ các lò phản ứng bị hư hại vào nước biển bắc Thái Bình Dương.
Các lõi hạt nhân của ba lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima-1 bị tan chảy vào tháng Ba năm ngoái sau khi một trận động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra tại vùng này gây nên một trận sóng thần lớn.
Các khoa học gia thuộc Hải học Viện Woods Hole cũng như trường đại học Stony Brook, bang New York và trường đại học Tokyo, đã đo hàng chục chất đồng vị khác nhau trên và dưới mặt biển và thu thập các sinh vật phù du và cá để phân tách.
Ông Buesseler nói một chất phóng xạ cần quan tâm đặc biệt là chất Strontium-90 có một nửa chu kỳ phân rã gần 30 năm.
Ông Buesseler nói: “Những chất này tích lũy nhiều trong xương. Chất này thay thế vôi trong xương người hay xương cá. Và đặc biệt trong cá, có lo ngại đặc biệt về sự tích lũy chất này.
Nếu chúng ta ăn loại cá nhỏ, đây là việc thông thường tại Nhật Bản, thì bạn sẽ tích lũy chất strontium-90. Chất này sẽ ảnh hưởng đến mức độ tích lũy trong xương của bạn.”
Cuộc nghiên cứu về mức độ của chất strontium-90 ngoài khơi bờ biển Nhật Bản sẽ được công bố trong vài tháng tới.
Những phúc trình như thế này được xem rất có ý nghĩa vì ít có thông tin về việc lan tỏa và di chuyển của chất phóng xạ tại vùng bắc Thái Bình Dương và những xác nhận độc lập xem là liệu những mức phóng xạ này có gây nên những mối quan ngại đáng kể cho sức khỏe hay không.
Các nhà khoa học Hoa Kỳ và Nhật Bản cho biết đã tìm thấy mức cesium phóng xạ cao tại 150.000 kilômét vuông Thái Bình Dương ngoài khơi Nhật Bản.