Mưa lớn và lũ lụt nhấn chìm một phần ba đất nước Pakistan và giết chết hơn 1.100 người, trong đó có 380 trẻ em. Máy bay trực thăng quân đội giải cứu các gia đình mắc kẹt và thả hàng viện trợ xuống các khu vực không thể tiếp cận được. Liên hiệp quốc ngày 30/8 kêu gọi quốc tế quyên góp 160 triệu đô la để giúp Pakistan.
Trận đại hồng thủy lịch sử, gây ra bởi những trận mưa mùa lớn bất thường, làm ảnh hưởng đến 33 triệu người, phá hủy nhà cửa và cơ sở kinh doanh, cơ sở hạ tầng và mùa màng.
Trong quý tính tới hết tháng 8 năm nay, Pakistan có vũ lượng nhiều hơn gần 190%, tổng cộng là trên 390 mm, cao hơn mức trung bình trong 30 năm. Tỉnh Sindh, với dân số 50 triệu người, bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng mưa nhiều hơn 466% so với mức trung bình 30 năm.
“Một phần ba đất nước thực sự chìm dưới nước”, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Sherry Rehman nói với Reuters, mô tả quy mô của thảm họa.
Ít nhất có 380 trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng, Thủ tướng Shehbaz Sharif nói với các phóng viên trong cuộc họp báo ở Islamabad.
“Pakistan đang chìm đắm trong đau khổ”, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói trong một thông điệp video, trong lúc Liên hiệp quốc đưa ra lời kêu gọi 160 triệu đô la để giúp quốc gia Nam Á này.
Phát ngôn viên của Liên hiệp quốc nói ông Guterres sẽ tới Pakistan vào tuần tới để quan sát ảnh hưởng của “thảm họa khí hậu chưa từng có”.
Cơ quan quản lý thảm họa nhà nước Pakistan cho biết gần 300 người mắc kẹt, bao gồm một số khách du lịch, đã được đưa lên máy bay ở miền bắc Pakistan ngày 30/8, trong khi hơn 50.000 người đã được chuyển đến hai nơi trú ẩn của chính phủ ở phía tây bắc.
Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa đã đến thăm thung lũng Swat phía bắc và duyệt xét các hoạt động cứu hộ và trợ giúp, nói rằng “việc phục hồi sẽ mất một thời gian dài.”
Hoa Kỳ sẽ cấp 30 triệu đô la viện trợ cho Pakistan đối phó với lũ lụt thông qua USAID, tòa đại sứ Mỹ ở Islamabad nói trong một tuyên bố.
‘Nghĩa vụ trợ giúp’
Chính phủ nói, ước tính ban đầu thiệt hại do lũ lụt gây ra lên tới hơn 10 tỷ đô la đồng thời cho biết thế giới có nghĩa vụ giúp Pakistan đối phó với những tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Mưa xối xả đã gây ra lũ quét từ các vùng núi phía bắc đổ xuống, phá hủy các tòa nhà, cầu cống, cuốn trôi đường sá và mùa màng.
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan, Bilawal Bhutto-Zardari, nói hàng trăm nghìn người đang sống ngoài trời không có thực phẩm, nước sạch, nơi ở hoặc chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Pakistan ước tính lũ lụt đã ảnh hưởng đến 33 triệu người, hay hơn 15% trong tổng số 220 triệu dân của nước này.
Ông Guterres cho biết số tiền 160 triệu đô la mà ông hy vọng huy động được sẽ cung cấp cho 5,2 triệu người thực phẩm, nước uống, vệ sinh, giáo dục khẩn cấp và hỗ trợ y tế.
Viện trợ không đủ
Ông Sharif nói số tiền viện trợ cần “được nhân lên nhanh chóng”, cam kết rằng “từng xu sẽ đến tay người cần, sẽ không lãng phí chút nào.”
Ông Sharif lo ngại sự tàn phá này sẽ làm chệch hướng một nền kinh tế vốn đã xáo trộn, có thể dẫn đến tình trạng thiếu lương thực cấp tính và làm lạm phát tăng vọt.
Ông nói, việc gieo hạt lúa mì cũng có thể bị trì hoãn, và để giảm thiểu tác động của việc này, Pakistan đã đàm phán với Nga về nhập khẩu lúa mì.
Tướng Akhtar Nawaz, người đứng đầu cơ quan thiên tai quốc gia, cho biết ít nhất 72 trong số 160 huyện của Pakistan đã được tuyên bố là nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Ông nói, hơn hai triệu mẫu đất nông nghiệp đã bị ngập lụt.
Ông Bhutto-Zardari cho biết Pakistan đã trở thành nơi bị ảnh hưởng chính cho hiện tượng hâm nóng toàn cầu.
Ông Guterres kêu gọi phản ứng nhanh chóng và kêu gọi chấm dứt “mộng du đối với sự hủy diệt hành tinh của chúng ta bởi biến đổi khí hậu.”