Pakistan và Trung Quốc cùng nhau tổ chức triển lãm quốc tế lần đầu tiên về tầm quan trọng của Cảng Gwadar trong Biển Ả Rập và khu kinh tế tự do của cảng này như là một trung tâm thương mại quốc tế mới nổi.
Cảng thương mại nước sâu và ấm này trông ra con đường chở dầu và khí đốt bận rộn nhất thế giới, được xây dựng và mở rộng với trợ giúp tài chánh của Trung Quốc.
Hơn 200 công ty Trung Quốc và Pakistan có mặt trong sự kiện ngày 29/1 tại Gwadar, trong khi 6 tỉnh Trung Quốc cũng phái đại diện đến dự, Đại sứ Trung Quốc tại Islamabad, Diêu Tinh, cho biết như vậy khi đọc diễn văn tại buổi lễ.
Các nhà ngoại giao nước ngoài và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng được mời dự lễ khai mạc hai ngày triển lãm này.
Những người Trung Quốc điều hành cảng nói Khu Kinh tế Tự do Gwadar sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế như miễn thuế trong 23 năm và cho thuê đất đến 99 năm cho những doanh nghiệp đến đây cùng với những sáng kiến và khung làm việc thân thiện đối với việc buôn bán, dịch vụ, sản xuất, hậu cần, chuyển vận bằng tàu thuyền và kho bãi.
Gwadar là một trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng tàu thuyền nối liền những vùng đất nằm sâu trong đất liền của miền tây Trung Quốc, giúp Bắc Kinh con đường thương mại quốc tế ngắn hơn và an toàn hơn qua Pakistan.
Gwadar được xem như cửa ngỏ của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, hay CPEC, một chủ điểm của Sáng kiến Vành đai và Con đường của chủ tịch Tập Cận Bình nhằm xây dựng “Con đường Tơ lụa” mới về buôn bán trên đất liền và trên biển, xuyên qua hơn 60 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Phi.
Trong CPEC, nhiều mạng lưới đường xá, thông tin, đường ray, khu kinh tế và các nhà máy điện được xây dựng và nâng cấp tại Pakistan với đầu tư của Trung Quốc vào khoảng 62 tỉ đô la.
Các dự án trị giá khoảng 27 tỉ đô la đang được xây dựng hoặc đã hoàn tất, bao gồm những dự án năng lượng đã sớm sản xuất điện, tăng cường điện năng cần thiết cho lưới điện Pakistan.
Trong lễ khai mạc, Thủ tướng Pakistan, Shahid Khaqan Abbasi, nói CPEC là “phần thấy được rõ ràng nhất” của Sáng kiến Vòng đai và Con đường của Trung Quốc. Ông nói thêm rằng dự án khổng lồ này sẽ phục vụ không những cho nhu cầu của nước ông mà còn cho nhu cầu của toàn vùng nữa.
Các chuyên gia hy vọng khả năng vận chuyển hàng hóa của Gwadar sẽ gia tăng đến mức 1,2 triệu tấn vào cuối năm nay và sẽ có thể xử lý được khoảng 13 triệu tấn vào năm 2022, trở thành cảng biển lớn nhất Đông Nam Á.
Một phi trường quốc tế với đường bay dài 12.000 mét đang được xây dựng tại một thị trấn êm ả trước đây với khoảng 300 triệu đô la tài trợ của Trung Quốc.
Cảng Biển Ả Rập tọa lạc tại Baluchistan, thành phố lớn nhất Pakistan, nơi có các phần tử hiếu chiến, gồm Nhà nước Hồi Giáo và những phần tử nổi dậy không quan trọng khác, là thách thức an ninh chính cho CPEC.
Thêm vào đó, hành lang này chạy xuyên qua phần kiểm soát của Pakistan thuộc vùng Kashmir bị chia cắt khiến cho Ấn Độ, đối thủ của Pakistan, phản đối. Hoa Kỳ nghi là Trung Quốc có thể biến Gwadar thành một căn cứ quân sự.
Tuy nhiên các giới chức Trung Quốc bác bỏ lo ngại này và vẫn xem “CPEC thuần túy là một dự án hợp tác kinh tế,” và Islamabad xem việc chống đối của Ấn Độ là có động cơ chính trị.