Tổng thống Panama Juan Carlos Varela nói chính phủ Panama sẽ lập một ủy ban độc lập để xem xét thông lệ tài chính của nước này sau vụ bê bối Hồ sơ Panama.
Trong tuyên bố ngắn gọn trên truyền hình hôm thứ Tư, ông Varela nói ủy ban sẽ gồm "các chuyên gia trong nước và quốc tế" để đánh giá thông lệ hiện hành của đất nước và đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch của hệ thống tài chính và pháp lý. Ông Varela nói Panama sẽ chia sẻ những đề xuất với các nước khác để có thể cùng hành động nhằm tăng cường tính minh bạch tổng thể của khu vực kinh tế.
Trong khi đó, Pháp đã bổ sung Panama vào "danh sách xám" về các “thiên đường tránh né thuế” trên thế giới và đang thúc giục Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng làm như vậy.
Tổng thư ký OECD Angel Gurria nói vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cho thấy khu vực kinh tế của nước này dung túng cho "tập quán về bí mật" và gọi đó là thẩm quyền lớn cuối cùng cho phép các khách hàng giấu tiền khỏi cơ quan pháp luật.
Công ty luật Panama Mossack Fonseca liên quan đến vụ bê bối cho biết 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ từ các văn phòng của mình trong tuần này nói về các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài của những người có quyền thế, giàu có và nổi tiếng trên thế giới đã bị các hackers đánh cắp, không phải do một người trong cuộc tiết lộ.
Ramon Fonseca, một trong những người sáng lập công ty Mossack Fonseca, cho biết vụ xâm nhập để lấy tài liệu được thực hiện từ nước ngoài, nhưng không nói rõ là nước nào.
"Chúng tôi có một giả thuyết và đang tìm hiểu", ông nói.
Ông Fonseca cho biết công ty của ông, đã lập khoảng 250.000 công ty hải ngoại trong 4 thập niên qua, đã nộp đơn khiếu nại về việc rò rỉ các tài liệu lên các công tố viên của Panama.
Những tiết lộ về việc tạo ra các tài khoản nước ngoài đã buộc nhiều nhà lãnh đạo thế giới phải thanh minh về các khoản đầu tư của họ và nói họ đã nộp thuế cho những lợi nhuận của họ. Việc lập các công ty ở nước ngoài không phải là bất hợp pháp, nhưng các tài khoản này thường được sử dụng che giấu tài sản và trốn thuế.
Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson trở thành nạn nhân đầu tiên của vụ rò rỉ, ông đã từ chức sau khi các tài liệu cho thấy vợ ông, Anna Sigurlaug Palsdottir, sở hữu một công ty ở Quần đảo Virgin thuộc Anh.
Nhưng sau tuyên bố hôm thứ ba, ông Gunnlaugsson nói rằng ông chỉ tạm thời rút lui trong một khoảng thời gian chưa rõ là bao lâu. Người làm phó cho ông dự kiến sẽ nhận lãnh các trách vụ của ông, khiến cho tương lai chính trị của Iceland trở thành không rõ ràng.
Your browser doesn’t support HTML5