Một cuộc nghiên cứu mới thực hiện cho thấy hơn 70% các hộ gia đình ở Papua New Guinea có ít nhất 1 người hút thuốc, trong khi một cuộc nghiên cứu khác cho thấy hơn phân nửa trẻ em từ 13 tới 15 tuổi, hút thuốc lá.
Giới cổ vũ cho sức khỏe đã tỏ thái độ tuyệt vọng về những con số thống kê đáng lo ngại đó, đặc biệt trong giới thanh thiếu niên. Nhưng giờ đây, chính phủ sẽ ra tay can thiệp.
Hút thuốc lá nơi công cộng sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, và các nhà sản xuất bị cấm, không được sản xuất các bao thuốc lá chỉ có 5 điếu, là sản phẩm mà các chuyên gia nói rất phổ biến trong giới người nghèo và giới trẻ.
Phần gây tranh cãi nhiều nhất trong các đề nghị mới là việc cấm hàng chục ngàn người bán thuốc lá lẻ trên các đường phố.
Bộ trưởng Y tế Papua New Guinea, ông Jamie Maxtone-Graham, nói cần phải đưa ra hành động quyết liệt chống nạn hút thuốc.
Ông Maxtone-Graham nói các chi phí y tế là một gánh nặng quá lớn cho nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Và những chi phí này tiếp tục tăng cao mỗi năm. Thế cho nên chúng ta cần phải tìm cách để giảm nhẹ tác động của việc này.
Tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, dưỡng đường dành cho các bệnh nhân bị ung thư tại Bệnh viện Toàn khoa thành phố về phần lớn hoàn toàn vắng lặng, bởi vì giới hữu trách không còn thuốc men để điều trị các bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
Trưởng ban điều dưỡng, Nữ tu Ellie Winge, tin rằng vấn đề này sẽ ngày càng nghiêm trọng thêm, nếu tỷ lệ hút thuốc vẫn tiếp tục tăng.
Sơ Winge nói sự kiện đó sẽ tăng sức ép hơn nữa, và bà tự hỏi không biết điều gì sẽ xảy ra trong 15, 20 năm tới.
Sơ Winge nói rằng chính vì thế mà bộ y tế và Bộ trưởng Y tế Papua New Guinea cần làm một điều gì đó để kiểm soát tình huống này.
Tại nước láng giềng Australia, thói quen hút thuốc bị hạn chế nghiêm ngặt như tại nhiều nước đã phát triển khác. Tuy nhiên, giới chăm sóc y tế lo ngại rằng giữa lúc các công ty sản xuất thuốc lá bị hạn chế hoạt động tại các nước giàu có, thì họ quay sang tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển, kể cả Trung Quốc, nơi mà cứ 3 điếu thuốc trên thế giới, thì có 1 điếu được hút ở Trung Quốc, và các nước nhỏ hơn như Papua New Guinea.
Tổ chức Y tế Thế giới ước lượng rằng mỗi 10 giây, lại có một người qua đời vì các bệnh liên quan tới hút thuốc lá. Vẫn theo tổ chức này, thì Châu Á, Australia và các nước miền Viễn Đông là các nơi tiêu thụ nhiều sản phẩm thuốc lá nhất, hơn xa những khu vực khác trên thế giới.
Tại Papua New Guinea, luật mới đang sẵn sàng để được áp dụng vào đầu năm tới. Tuy nhiên, thi hành lệnh cấm không phải là điều dễ thực hiện. Những người bán thuốc lá trên các đường phố than phiền rằng mức thu nhập vốn đã rất thấp của họ sẽ còn sụt giảm mạnh, khi luật được áp dụng, và họ thề sẽ làm ngơ các luật đó.
Với hơn 800 thổ ngữ được sử dụng, và Papua New Guinea là nước có các điều kiện địa lý hoang dã nhất tại Nam Thái bình dương, nước này có một nền văn hóa vô cùng phong phú.
Các giới chức Australia viện trợ cho Papua New Guinea nói rằng, bất chấp một vụ bùng nổ các hoạt động khai thác tài nguyên, nạn nghèo đói vẫn là một vấn đề nghiêm trọng tại Papua New Guinea, một quốc gia vùng Nam Thái bình dương với số dân chỉ có 6 triệu người.
Chính phủ Papua New Guinea sẽ áp dụng các biện pháp triệt để để đặt ra ngoài vòng pháp luật việc hút thuốc lá tại những nơi công cộng. Các luật mới theo dự kiến sẽ gặp sự chống đối rộng rãi trong công chúng tại một quốc gia, nơi mà hút thuốc lá đã trở thành một thói quen trên khắp nước. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của Đài VOA gửi về bài tường thuật sau đây.