Liệu VN có cam kết sâu hơn đối với tiến trình FOIP? Việc tăng thêm các yếu tố chiến lược trong đối tác toàn diện song phương tiến triển đến đâu? VN và các nước ở trong khu vực mà Mattis gọi là “trái tim địa chính trị” đã tìm được thế cân bằng nào trong căng thẳng Mỹ—Trung? Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis rời Sài Gòn song các câu hỏi này dường như vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo.
TS. Đinh Hoàng Thắng
Đây là lần thứ 8 Mattis đến Ấn Thái Dương (Indo—Pacific) và là lần thứ 5 ông đến Đông Nam Á, khu vực được ông coi là “trái tim địa chính trị”. Đây cũng là cuộc gặp gỡ lần thứ 5 giữa hai bộ trưởng Quốc phòng Mỹ—Việt. Tờ Spunik (Nga) cho rằng chuyến đi của tướng Mattis lần này sang Việt Nam là bất ngờ và bất thường. Nhưng thật ra, chuyến thăm tp Hồ Chí Minh lần này đã được lên kế hoạch từ trước. Đầu tháng 10/2018, trợ lý của Jim Mattis là Randall G. Schriver, không những đã khẳng định về lịch trình chuyến thăm, mà còn cho truyền thông biết trước một số nội dung cụ thể.
Quan điểm đối với FOIP
VN là điểm đến đầu tiên của người đứng đầu Lầu Năm Góc trong chuyến đi ĐNÁ được đồn đoán, có thể là chuyến công du cuối cùng của ông trên cương vị hiện nay. Điều này cho thấy các chương tình làm việc có thể là khá cần kíp và không thể trì hoãn. Trước chuyến thăm, trợ lý của tướng Mattis, ông Schriver tuyên bố, Hoa Kỳ cảm thấy rất lạc quan trước chiều hướng phát triển hợp tác hiện nay giữa hai nước. Mỹ rất mong muốn Việt Nam trở thành một “đối tác chiến lược” và thân thiết với Mỹ. Từ nay, Hoa Kỳ thúc đẩy các mối bang giao theo hướng đó, với tiến độ và phạm vi tùy theo mong muốn của phía Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ giữa tướng Lịch và tướng Mattis lần này chắc chắn có đề cập tới những tình hình mới nhất của mỗi bên. Thứ nhất, lãnh đạo cao nhất của VN tiếp Mattis hồi đầu năm, TBT Nguyễn Phú Trọng nay sắp trở thành Chủ tịch nước. Thứ hai, Ban chấp hành TW ĐCSVN, lần đầu tiên tuyên bố, sẽ từng bước đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển và hướng ra biển. Thứ ba, Washington ngày càng tỏ rõ là rất quan tâm đến việc cùng các đối tác trong vùng tạo dựng một FOIP (khu vực Ấn Thái Dương tự do và rộng mở).
Vì vậy, vai trò của VN nói riêng và ASEAN nói chung đối với FOIP, tức cũng là quan điểm của VN đối với “chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của “bộ tứ kim cương” Nhật—Mỹ—Úc—Ấn là một điểm nhấn nữa trong các cuộc trao đổi. Vị thế của VN như một “đối tác mới nổi” sẽ chủ động đến mức nào là vấn đề hết sức thời sự! Bởi vì, IPS là một tiến trình chứ chưa phải là một điểm đến, nên sự phối hợp trong khuôn khổ đa phương là không thể thiếu. Dịp thượng đỉnh Nhật Bản—Mekong (9/10) tại Tokyo, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã giới thiệu về chiến lược FOIP. Sáng kiến này được xem là nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng lấn lướt về an ninh của Trung Quốc khi Bắc Kinh tăng cường quân sự hoá các đảo cưỡng chiếm và tuyên bố chủ quyền hầu hết cả diện tích Biển Đông. Dịp ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố, Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực và sáng kiến của Nhật Bản nhằm bảo đảm sự thịnh vượng về kinh tế, tự do về thương mại và an toàn về hàng hải trong khu vực FOIP.
Trong một phân tích trên Scribd (website chia sẻ tài liệu lớn nhất thế giới), ngày 15/10, GS. Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Bộ trưởng Mattis cần tìm kiếm một liên minh tạm thời với các quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, để ứng phó với Trung Quốc. Việt Nam phải chấp nhận một môi trường đối đầu hơn giữa Trung Quốc và Mỹ cả trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, việc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hàng hải chiến lược và xây các đảo nhân tạo (trái phép) trên Biển Đông trong các khu vực tranh chấp với nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng cũng là một trong các chủ đề hàng đầu tại buổi họp quy tụ các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với các vị tương nhiệm từ Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia và Nhật Bản.
Các vấn đề còn bỏ ngỏ
Chuyến thăm của Mattis diễn ra sau các tuyên ngôn gây sốc từ phía các nhà hành pháp Hoa Kỳ. Phát biểu của Tổng thống Trump trước ĐHĐ/LHQ, diễn văn của Phó tổng thống Pence tại Viện Hudson và trả lời phỏng vấn của Cố vấn an ninh quốc gia Bolton đều chấn động công luận. Cả 3 phát biểu này được giới phân tích coi là những tuyên ngôn rõ ràng của Mỹ về cuộc chiến tranh lạnh mới trên toàn tuyến chống Trung Quốc. Đồng ý là VN không cần chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng để duy trì được một tâm thế độc lập trong trường hợp “trâu bò húc nhau” như thế này, hoàn toàn không đơn giản đối với Hà Nội. Đó là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, Hoa Kỳ hiện đang rất quan tâm đến số phận của bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển (COC). Hội nghị các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tới đây sẽ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và ASEAN hồi tháng 8/2018 đã đồng ý về dự thảo của COC. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, thời gian tới đây, vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận rốt ráo. Người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố, ASEAN là trung tâm trong các lợi ích an ninh và duy trì hòa bình tại Ấn Thái Dương. Nhưng với tình trạng “tan đàn xẻ nghé” vừa qua, tổ chức chức khu vực này làm thế nào có thể tìm được một tập hợp cân bằng và đối trọng hữu lý trong cán cân quyền lực đang thay đổi ngày một bất định trong quan hệ Trung—Mỹ?
Vấn đề thứ ba là căng thẳng thương mại Mỹ—Trung leo thang và nguy cơ đụng độ trên Biển Đông giữa các tầu chiến của hai nước lên cao. Đấy là chưa kể, ngày 10/10 vừa qua, Thượng Viện Mỹ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoài ra, Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Hoa Kỳ đã đề xuất một loạt các cuộc diễn tập ở eo biển Đài Loan và Biển Đông để chứng minh cam kết của Hoa Kỳ với trật tự quốc tế dựa trên quy tắc và luật lệ. Hạm đội này sẽ tiến hành các hoạt động kéo dài khoảng 1 tuần trong tháng 11 tới để chứng minh khả năng Mỹ có thể đối phó với các kẻ thù tiềm năng một cách nhanh chóng, trên nhiều mặt trận.
Vấn đề thứ tư khá nhậy cảm, đó là các bàn thảo xung quanh đạo luật Chống những kẻ thù của Mỹ thông qua chế tài (CAATSA). Theo đạo luật này, Mỹ sẽ trừng phạt những nước nào mua vũ khí của Nga, trong khi Nga lại là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam. Tuy nhiên, James Mattis đã đề nghị Quốc hội Mỹ đưa Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách các nước bị trừng phạt.
Cuối cùng, sau các chuyến thăm VN của “hai thầy trò” Mattis trong 9 tháng qua và chuyến thăm VN trong hai ngày 16 và 17/10, các yếu tố chiến lược nào trong đối tác toàn diện Mỹ—Việt đã được nâng cấp để VN có thể cùng các đối tác khác của Mỹ trong FOIP nối kết nhau thành một vòng tay lớn? Nói cách khác, liệu VN, một đối tác mới nổi, được cho là đã vượt qua Singapore, trở thành “đối tác tự nhiên nhất” của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ có vai trò điều phối như thế nào trong ASEAN trong bối cảnh sang năm VN sẽ làm chủ tịch tổ chức này? Và tới đây, liệu sẽ có hay không một cuộc gặp cấp cao giữa TBT—Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Donald Trump trong tương lai, nhanh thì vào dịp cuối năm nay, chậm thì đầu năm sau? Tuy nhiên, ngay cả cuộc gặp cấp cao đang đón đợi ấy chắc gì đã giải quyết được một cách dứt điểm các vấn đề còn bỏ ngỏ nói trên!
Tác giả nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện là Phó Viện trưởng — Giám đốc Đối ngoại của Viện các vấn đề phát triển (VIDS) thuộc VUSTA.