Ông Kim Quốc Hoa, cựu Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi, đã bị Bộ công an khởi tố hình sự theo điều 258 bộ luật hình sự Việt Nam, ông bị cáo buộc tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của một số tổ chức, công dân”. Ông được tại ngoại hầu tra.
Cổng thông tin điện tử của Bộ Công An Việt Nam xác nhận tin này vào trưa ngày 12/5/2015. Thông báo của Bộ cáo buộc ông Kim Quốc Hoa là đã “có hành vi viết, duyệt cho đăng trên Báo Người Cao Tuổi một số bài báo có nội dung sai sự thật”.
Việc này xảy ra 4 ngày sau khi kết thúc hội nghị trung ương 11, một nhà báo độc lập chuyên theo sát tình hình báo chí tại Việt Nam tin rằng trong hội nghị này, có thể phe chống đỡ ông Kim Quốc Hoa đã thất bại trước các nhóm lợi ích. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Tự Do Việt Nam nhận định:
“Tôi có cảm giác rằng dường như đã có một sự chuyển động nào đó ở trong hội nghị trung ương 11 vừa kết thúc, và nó có liên quan tới ông Kim Quốc Hoa. Nếu quả thực như một số người nói, ông Hoa được chống lưng, thì phe chống lưng ông Hoa có lẽ đã không nắm được ưu thế, hay nói cách khác, đã thất bại trong hội nghị trung ương 11, đủ để một lực lượng bên Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông hợp đồng với nhau - như trước đây, để trừng phạt và sau đó khởi tố ông Kim Quốc Hoa.”
Tôi có cảm giác rằng sau vụ ông Hoa còn có thể liên quan tới những nhân vật báo chí và nhà báo nhà nước khác. Cái vòng kim cô đối với báo chí nhà nước có vẻ như càng ngày càng siết chặt.Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Tự Do Việt Nam.
Báo Người Cao Tuổi trực thuộc hệ thống báo chí nhà nước, nhưng trong thời gian ông Kim Quốc Hoa làm Tổng Biên Tập, báo đã cho đăng nhiều bài viết có tính cách phản biện, chống tiêu cực, đụng chạm tới một số tướng lĩnh công an.
Trang mạng Dân Làm Báo tường thuật rằng quyết định khởi tố đã được Viện Kiểm sát Nhân dân phê chuẩn, kèm theo lệnh khám xét văn phòng và nhà riêng của ông Hoa.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dự đoán những gì xảy đến cho ông Kim Quốc Hoa là một báo hiệu cho thấy hệ thống báo chí nhà nước đang trong tầm ngắm, và sẽ bị siết chặt lại.
“Nó giống như hồi năm 2013, bắt khẩn cấp và khởi tố 3 blogger, lúc đó là những người hoạt động dân chủ, các ông Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Đinh Nhật Uy. Còn bây giờ thì liên quan tới báo chí nhà nước, khởi đầu là ông Kim Quốc Hoa. Tôi có cảm giác rằng sau vụ ông Hoa còn có thể liên quan tới những nhân vật báo chí, các nhà báo nhà nước khác. Cái vòng kim cô đối với báo chí nhà nước có vẻ như càng ngày càng được siết chặt.”
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng bày tỏ bi quan về hoạt động của báo chí nhà nước trong tương lai. Ống nói vụ bắt bớ ông Kim Quốc Hoa đi ngược lại quyết định 501 của Thủ Tướng chính phủ vể việc xây dựng diễn đàn phản biện chuyên nghiệp của giới trí thức. Ông nói:
“Điều đó cho thấy là nhà nước nói một đằng, làm một nẻo. Tất cả những phản biện mà đụng chạm tới lợi ích của một nhóm lợi ích nào đó, cụ thể là những bài viết đăng trên báo Người Cao Tuổi do ông Hoa chỉ đạo, đụng chạm tới khá nhiều tướng lĩnh của công an thì các nhóm lợi ích sẽ phản ứng, và lúc đó báo chí nhà nước sẽ bị siết chặt.”
Cũng liên quan tới các hoạt động báo chí trong nước, hôm 11 tháng Năm, hơn 20 văn thi sĩ tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), nêu lý do là “tình trạng suy thoái của Hội không còn có thể cứu vãn” được nữa, nếu không có thay đổi căn bản trong các điều lệ và tổ chức của Hội để những người cầm bút có thể tiếp tay xây dựng “một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản”.
Một số nhà văn, nhà thơ từ bỏ HNVVN có mặt trong Ban Vận động thành lập Văn Đoàn Độc lập Việt Nam, đứng đầu là nhà văn Nguyên Ngọc.
Your browser doesn’t support HTML5