Theo anh Phạm Minh Hoàng tường thuật, ông Tổng Lãnh sự Pháp tại Sài Gòn gọi anh đến gặp và thông báo rằng vào ngày 17/5/2017 Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng.
Sự việc
Khi anh Hoàng yêu cầu xem bản quyết định đó, ông Tổng Lãnh sự Pháp cho biết cơ quan công an của Việt Nam chỉ thông báo miệng, nên chính ông cũng chưa nhìn thấy bản quyết định đó, dù chi tiết về người ký và ngày ký quyết định đã được phía Việt Nam xác nhận.
Sau khi nhận tin như trên, anh Phạm Minh Hoàng đã tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý từ bỏ quốc tịch Pháp của anh chưa được khởi động theo luật hiện hành của nước Cộng hòa Pháp.
Quy định hiện hành về quốc tịch Việt Nam
Quốc tịch là một vấn đề pháp lý được quy định chủ yếu tại Hiến pháp năm 2013 (Hiến pháp) và Luật quốc tịch số 24/2008/QH12 ngày 13/11/2008 (Luật quốc tịch).
Hiến pháp quy định tại Khoản 1 của Điều 17 như sau: “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.”
Tương tự, Luật quốc tịch quy định tại Khoản 1 của Điều 5 như sau: “Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.”
Ngoài ra, Điều 4 của Luật quốc tịch còn khẳng định một nguyên tắc quốc tịch quan trọng: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Quy định hiện hành về tước quốc tịch
Theo quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch, hai nhóm chủ thể sau đây có thể bị tước quốc tịch:
“1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”
Phân tích pháp lý
Giả định rằng quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng đã được Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành vào ngày 17/5/2017 như thông báo của ông Tổng Lãnh sự Pháp. Tuy chưa ai trực tiếp nhìn thấy bản quyết định đó, một điều chắc chắn rằng mọi quyết định tước quốc tịch Việt Nam đều phải dựa vào các căn cứ pháp lý quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch.
Do đó, vấn đề pháp lý chính trong trường hợp anh Phạm Minh Hoàng là anh thuộc diện nào trong hai nhóm chủ thể có thể bị tước quốc tịch nêu trên. Hãy phân tích từng nhóm chủ thể đó để xác định sinh mệnh pháp lý của anh Hoàng ra sao.
Thứ nhất, nhóm chủ thể theo Khoản 1 của Điều 31
Đây là nhóm các “công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài”. Như vậy, nhóm này có hai yếu tố nhận diện bắt buộc: (1) [là] công dân Việt Nam; và (2) [phải] “cư trú ở nước ngoài”.
Công dân Việt Nam được xác định là người có quốc tịch Việt Nam, như Điều 17 Hiến pháp và Điều 5 Luật quốc tịch quy định. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 3 của Luật quốc tịch giải thích cụ thể như sau: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.” Như vậy, yếu tố cư trú “lâu dài” ở nước ngoài rất quan trọng.
Anh Phạm Minh Hoàng là công dân Việt Nam, từng có thời gian sinh sống và làm việc lâu dài ở Pháp. Tuy nhiên, từ 10 năm nay, anh đã hồi hương theo luật định và được nhà nước Việt Nam chấp thuận cho giữ quốc tịch Việt Nam, cấp giấy Chứng minh Nhân dân dành cho người cư trú tại Việt Nam và, quan trọng nhất, cho anh nhập hộ khẩu thường trú tại nhà riêng anh ở quận 10, TPHCM.
Nói cách khác, anh Phạm Minh Hoàng là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, chứ không thuộc nhóm chủ thể “công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài”. Một khi đã xác định anh Hoàng không thuộc nhóm chủ thể này về hình thức, thì không cần xét tiếp đến việc anh “có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không.
Thứ hai, nhóm chủ thể theo Khoản 2 của Điều 31
Đây là nhóm “người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật [quốc tịch] này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam.”
Khoản 1, Điều 19 của Luật quốc tịch quy định như sau: “Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây […].”
Như vậy, người xin nhập quốc tịch Việt Nam chỉ có thể là công dân nước ngoài và người không quốc tịch. Sinh ra đã là người Việt Nam, vẫn giữ quốc tịch Việt Nam (dù có thêm quốc tịch nước ngoài), chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam, thì không cần phải xin nhập tịch Việt Nam. Trên thực tế, anh Phạm Minh Hoàng chưa từng xin nhập tịch Việt Nam theo Điều 19 của Luật quốc tịch, trái lại anh chỉ xin hồi hương và được nhà nước Việt Nam chính thức xác nhận rằng anh vẫn giữ (chứ không phải được nhập) quốc tịch Việt Nam.
Nói cách khác, anh Phạm Minh Hoàng đang là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, chứ không thuộc nhóm chủ thể “người đã nhập quốc tịch Việt Nam.” Cũng như trên, một khi đã xác định anh Hoàng không thuộc nhóm chủ thể này về hình thức, thì không cần xét tiếp đến việc anh “có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không.
Nhà nước Việt Nam có thể trục xuất công dân Việt Nam khỏi lãnh thổ Việt Nam?
Hiến pháp quy định tại Khoản 2 của Điều 17 như sau: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác.”
Như vậy, bất kể việc công dân Việt Nam (dù đang thường trú tại Việt Nam hay định cư ở nước ngoài) đã hoặc đang “có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có quyền trục xuất công dân mình sang nước khác, hoặc không cho họ nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam.
Mọi hành vi vi phạm pháp luật, nếu có, của công dân phải được xử lý theo quy định luật pháp có liên quan, chứ không bằng giải pháp trục xuất. Cần lưu ý rằng, kể cả trong trường hợp tước quốc tịch đúng luật theo Điều 31 của Luật quốc tịch, thì hệ quả pháp lý đương nhiên theo đó cũng không phải là trục xuất đương sự khỏi Việt Nam.
Có cần thiết từ bỏ quốc tịch Pháp để giữ quốc tịch Việt Nam hay không?
Như đã nêu trên, Điều 4 của Luật quốc tịch khẳng định một nguyên tắc quốc tịch quan trọng: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”
Như vậy, bất kể công dân Việt Nam có bao nhiêu quốc tịch nước ngoài, nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam mà thôi. Chính vì nguyên tắc này nên nhà nước Việt Nam không có quyền gán cho công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam hành vi xâm phạm an ninh quốc gia để rồi đương nhiên tước quốc tịch và trục xuất họ sang nước khác.
Do đó, việc anh Phạm Minh Hoàng tuyên bố từ bỏ quốc tịch Pháp nhằm đặt nhà nước Việt Nam vào tình huống pháp lý không thể tước quốc tịch Việt Nam của anh có thể khẳng định là không cần thiết, bởi lẽ dù công dân Việt Nam có hai quốc tịch trở lên, đối với nhà nước Việt Nam người ấy vẫn chỉ có một quốc tịch duy nhất, đó là quốc tịch Việt Nam.
Anh Phạm Minh Hoàng không thuộc hai nhóm chủ thể có thể bị tước quốc tịch Việt Nam như quy định tại Điều 31 của Luật quốc tịch, thì dù anh muốn tiếp tục duy trì quốc tịch Pháp hay nhận thêm nhiều quốc tịch khác nữa, nhà nước Việt Nam cũng không có quyền tước quốc tịch Việt Nam của anh trong mọi trường hợp, trừ phi họ hành động bất chấp luật pháp.
Kết luận
Vì thông tin về quyết định tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng do Chủ tịch nước Trần Đại Quang ký ban hành vào ngày 17/5/2017 vẫn chỉ là giả định do chưa ai nhìn thấy, nên từ những phân tích pháp lý trên đây, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng thông tin đó là xác thực.
Trong tư cách là Chủ tịch nước kiêm Trưởng Ban cải cách tư pháp trung ương, ông Trần Đại Quang chắc chắn không thể hành động sơ suất như thế khi ban hành một quyết định vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp và luật pháp về quốc tịch.
Nếu quả thật ông đã lỡ ký ban hành quyết định vi hiến và vi luật đó, thì trong lúc chưa ai kịp thấy mặt mũi của nó, ông nên lặng lẽ hủy ngay và cho thi hành kỷ luật đối với kẻ đã tư vấn hoặc yêu cầu ông làm như vậy.
Quốc tịch là một vấn đề hệ trọng vì nó thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân. Vi phạm các nguyên tắc pháp lý cơ bản về quốc tịch và xâm phạm quyền công dân hợp pháp của người mang quốc tịch Việt Nam có thể khiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh mất uy tín chính trị và hình ảnh của một nhà cai trị công minh, mà ông đang gầy dựng và đã đạt nhiều ưu thế vượt trội so với các đối thủ của mình.
Tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam sẽ tạo nên một tiền lệ pháp lý nguy hiểm, đó là 91 triệu công dân Việt Nam đều cùng ở trong tình huống có thể bị tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam bất cứ lúc nào. Tiền lệ này tuy bất khả thi, nhưng chắc chắn sẽ gây thêm nhiều bất ổn xã hội, vì tính tùy tiện trong việc áp dụng luật và thiếu thượng tôn pháp luật trong hoạt động cai trị của nhà cầm quyền.