Ngôn từ chuyển hóa cách nhìn

“Chỉ nên nói nếu nó tốt hơn là im lặng.”

Tiếp theo bài “Ngôn từ là cửa sổ”, trong bài này tôi xin trình bày một số quan sát tiếp theo của Mel Shwarts. Shwarts phân tích những giới hạn của tiếng Anh về động từ “to be” (to be verbs), đưa đến suy nghĩ hay hành động cứng ngắt, không thay đổi, như sau [1].

Động từ “to be” trong tiếng Anh bao gồm các từ: Are, Am, Is, Was, Be, Been, Being.

Theo Shwarts thì động từ chủ yếu diễn đạt sự chuyển động và hành động. Nhưng các động từ “to be” đều có điểm chung, hàm ý trạng thái bất biến, không thay đổi. Các động từ “to be” đều là tĩnh, không động. Cho nên Shwarts biện luận rằng nếu ngôn từ thông báo tư tưởng của mình và nếu chúng ta ứng dụng các động từ “to be” trong các suy nghĩ của mình, thì làm sao chúng ta có thể cảm nhận bất cứ điều gì khác ngoài “kẹt cứng”. Chẳng hạn như suy nghĩ “Tôi không đáng giá gì cả” (I am worthless), hoặc “Tôi thật là khó thương/không thể thương được” (I am unlovable).

Làm như thế dễ biến niềm tin của mình thành sự thật mà đầu óc mình hình dung, và trở thành dữ kiện không thể thay đổi. Shwarts đặt câu hỏi làm sao chúng ta có thể hình dung và thực hiện thay đổi nếu các suy nghĩ bị kẹt cứng trong một bức tranh hiện thực không lay chuyển, bất động? Các động từ “to be” này cản trở các khả năng mới, cản trở chuyển động.

Khi so sánh “Thật là khó để thay đổi” (It’s hard to change), với “Tôi cố gắng thay đổi” (I struggle to change), hoặc “Tôi cảm thấy thật là khó để mình thay đổi” (It feels so hard to me to make change) hoặc “Tôi không bao giờ thành công trong việc thay đổi” (I’ve never succeeded in making change) thì sẽ thấy sự khác biệt. Câu đầu mang tính nhận định khách quan về sự thật, do đó khó thay đổi điều gì đã được xem là sự thật; trong khi ba câu sau mang tính chủ quan: một quan điểm hay một cách nhìn. Nhìn nhận như thế thì thay đổi có thể xảy ra khi một người chuyển đổi khái niệm của mình.

Shwarts cho biết năm 1933, Alfred Korzybsky là người nhận ra được điều này nên trong tác phẩm “Khoa học và Tỉnh táo” (Science and Sanity), ông trình bày ý tưởng nên nói và viết mà không dùng, hay bớt dùng, động từ “to be”. Korzybsky cho rằng động từ “to be” là di tích của một quan điểm thế giới cũ, cơ động thế kỷ 17 mang đặc tính của nhà khoa học Isaac Newton. Trong khi đó, vật lý lượng tử được khám phá vào thập niên 1920 đã thay đổi sâu sắc quan niệm về thực tế thời đó, khác với những gì Newton miêu tả trong thời của ông. Cái nhìn thế giới mới diễn tả thực tế như là sự lưu chảy và sủi bọt (bubbling) vĩnh viễn với khả năng mọi phần liên hệ không tách rời nhau, một quá trình hình thành thực tế ảo [2].

Thay đổi, đối với con người, phần lớn và chủ yếu, là từ bộ não. Với những khám phá lớn lao trong lĩnh vực khoa học thần kinh (neuroscience), điều lạc quan là ai trong chúng ta cũng có khả năng thay đổi sâu sắc chính mình. Nhanh hay chậm, sâu hay cạn, lớn hay nhỏ, tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng cách nhìn, niềm tin và quyết tâm đóng vai trò then chốt. Một não trạng cởi mở phát triển (growth mindset) sẽ dễ dàng thay đổi, còn não trạng bảo thủ cứng ngắt (fixed mindset) thì khó hơn [3]. Ở tuổi 80 vẫn có thể thay đổi, vẫn có khả năng phát triển các tế bào thần kinh, nhưng để phát huy tối đa tiềm năng của các tế bào mới này hay bộ não của mình, chúng ta cần liên tục thách thức chính mình, khám phá các điều mới, tập thể dục, và nhìn vấn đề ở khía cạnh lạc quan, nửa ly nước đầy thay vì nửa ly nước vơi, chẳng hạn [4]. Bộ não của con người rất là huyền diệu, cái độ dẻo thần kinh (neuroplasticity), và như Tiến sĩ Lara Boyd có trình bày trong một TEDs Talks, sau khi xem bài thuyết trình của Boyd, bộ não của người xem cũng đã đổi khác [5]. Tóm lại, con người thay đổi liên tục mà lắm khi chúng ta không ý thức. Nó không tĩnh như trước nay mình nghĩ.

Khi nhận thức ra được lợi ích của nhu cầu xê dịch (chuyển đổi chỉ một chút thôi) trong ngôn ngữ, Shwarts bắt đầu tận dụng nó như là kỹ thuật truyền thông mang tính chuyển hóa. Ông nhìn thấy được những tiến bộ đáng kể trong ngành trị liệu khi nhiều người ý thức việc giảm thiểu sử dụng các động từ “to be” này.

Shwarts kể một bệnh nhân ở tuổi trung niên thường xuyên cho mình là ngu ngốc, chẳng hạn. Bà bảo “Tôi ngu” (I am stupid). Khi được hỏi tại sao bà lại nghĩ thế, thì bà trả lời từ nhỏ bố bà hay gọi bà như thế, nên bà luôn cảm thấy ngu ngốc. Shwarts phân tích rằng có lẽ bà luôn cảm thấy như thế, nhưng bà không có ngu đâu. Cảm thấy là một trạng thái, cho nên nó có thể thay đổi. Ông đã giúp bà xoay chuyển từ thực tế khách quan sang sự thật được xây dựng bằng cảm nhận của bà.

Shwarts cũng đã giúp người khác chuyển suy nghĩ khác, như: “Tôi không là gì cả. Tôi trống rỗng.” (I am nothing. I am empty) sang “Tôi không cảm thấy gì cả. Tôi cảm thấy trống rỗng” (I feel nothing. I feel empty). Vấn đề không phải là người đó, mà chỉ là cảm giác của người đó vào lúc đó mà thôi.

Shwarts nhận định động từ “to be” nói lên sự thật khách quan hơn là cảm nhận và cảm giác, qua đó làm cho chúng ta cảm thấy bất lực, bất động, và là nạn nhân.

Khi ý thức điều này, một người có thể tránh những nhận định dễ gây tranh cãi nếu trình bày một thực tế khách quan, thay vào đó sử dụng “tôi suy nghĩ” hoặc “tôi cảm nhận/thấy”. Nếu mình chỉ đơn giản chia sẻ những suy nghĩ, cách nhìn và ý tưởng theo cách thức chủ quan, chúng ta dễ vượt qua được nỗi lo sợ bị sai lầm, hay đúng sai. Làm như thế, chúng ta cũng mời người khác đóng góp ý kiến và quan điểm. Những cuộc đối thoại như thế giúp chúng ta mở lòng chia sẻ những suy nghĩ mang tính độc thoại, với người khác. Shwarts cho rằng cách này có thể áp dụng đối với nghề nghiệp, gia đình, quan hệ cho đến mọi loại truyền thông.

Theo Shwarts thì không có gì làm cho một cuộc đối thoại trật đường rầy nhanh chóng bằng nhận định “Anh/chị sai” (You are wrong) hoặc “Anh/chị quá ích kỷ” (You are so selfish). Nó sẽ làm cho người khác không muốn nghe nữa mà còn trở nên phòng thủ, nếu không phải là thù địch. Tại sao không sử dụng những câu như: “Giúp tôi hiểu điều anh/chị nói, (vì) tôi không nhìn như cách của anh/chị nhìn”. Đây cũng là cơ hội mở ra mời gọi cách truyền thông hợp lý.

Shwarts biện luận phương pháp này giúp chúng ta chịu trách nhiệm với từng suy nghĩ và cảm nhận của mình hơn là đổ thừa/lỗi cho người khác. Nó mở ra cơ hội trao đổi nhau bằng tình thương và cảm thông khi chúng ta vượt qua được vấn đề đúng sai. Shwarts tin rằng nó giúp con người tự giải thoát mình khi ý thức sử dụng ngôn từ mà mở ra cơ hội và khả năng thay vì đóng kín cơ hội và giam tù mình.

Kết luận trên của Shwarts phản ảnh một phần trong bát chánh đạo của Phật giáo, đặc biệt là chánh ngữ và chánh niệm. Trong thời đại truyền thông liên tục và thông tin tràn ngập, con người được đi học nhiều hơn và hiểu biết nhiều hơn xưa, nắm bắt nhiều thông tin cần thiết cho cuộc sống. Nhưng ngôn từ có vẻ trở nên rẻ rúng hơn. Người ta sẵn sàng xả rác trên các diễn đàn và các trang mạng xã hội mà không cần biết hoặc quan tâm nó sẽ ảnh hưởng như thế nào lên người đọc và người bị phê bình. Do đó có khi không cần nói gì cả để phản ứng lại, lại là hay, lại là một tự do cảm xúc [6]. Mahatma Ghandi từng nói: “Chỉ nên nói nếu nó tốt hơn là im lặng” (Speak only if it improves upon the silence).

Trong bài “Chúng ta đang cần gì nhất?” trên Thông Luận mới đây, ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng mấu chốt vấn đề là nâng cao phẩm chất cuộc thảo luận chính trị để xây dựng lực lượng và có sức thuyết phục [7]. Quả thật 43 năm qua, tuy phần lớn có cùng chung mục đích, đa số người Việt vẫn chưa thể ngồi lại với nhau để bàn luận rốt ráo những giải pháp, hướng đi, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, hay chương trình hành động cho tương lai Việt Nam. Vẫn mạnh ai nấy làm, mạnh tổ chức nào nấy làm, mà chẳng có sự liên kết hợp tác đáng kể nào. Những nỗ lực liên kết một thời không đưa đến kết quả gì bền vững vì mang nhiều tính biểu kiến hơn là xây dựng nền tảng. Ông Kiểng đưa ra một đạo lý thảo luận và mời mọi người góp ý, nhưng không rõ có ai góp ý chưa. Tôi đồng ý với ông Kiểng rằng nếu không thể thảo luận được với nhau thì không thể nào chuẩn bị một giải pháp thay thế đúng mực. Theo tôi, cùng lắm, khi tức nước vỡ bờ, thì chỉ có được một giải pháp cách mạng. Nhưng bất kỳ cuộc cách mạnh nào mà không có một giải pháp chính trị vững ổn thì cuộc cách mạng đó sẽ tất bại. Chúng ta có thể nghiệm lại điều này qua các cuộc cách mạng trên toàn thế giới, và ngay tại Việt Nam, trong thế kỷ qua.

Trước khi chấm dứt, tôi xin được chia sẻ thêm một bài thơ của Marshall Rosenberg trích từ cuốn sách “Truyền thông bất bạo động” của ông [8].

Quan sát không đánh giá

Tôi có thể xử lý điều bạn nói với tôi

những gì tôi làm hay không làm.

Và tôi có thể xử lý những diễn giải của bạn,

nhưng làm ơn đừng nhập nhằng hai cái với nhau.

Nếu bạn muốn gây nhầm lẫn mọi vấn đề,

Tôi có thể giúp bạn cách làm điều đó:

Trộn chung những gì tôi làm

với cách bạn phản ứng nó.

Cho tôi biết là bạn đã thất vọng

với những việc bạn thấy chưa hoàn tất,

Nhưng bảo rằng tôi là “vô trách nhiệm”

là không phải cách để khuyến khích tôi.

Và cho tôi biết rằng bạn đang cảm thấy tổn thương

khi tôi nói “không” đối với sự tấn tới của bạn,

Nhưng gọi tôi là người lạnh lùng

sẽ không gia tăng cơ hội của bạn trong tương lai.

Vâng tôi có thể xử lý điều bạn nói với tôi

những gì tôi làm hay không làm,

Và tôi có thể xử lý những diễn giải của bạn,

nhưng làm ơn đừng nhập nhằng hai cái với nhau [4].

  • Marshall B Rosenberg, PhD

Phạm Phú Khải
Úc Châu, 25/09/2018


Tài liệu tham khảo:

1. Mel Schwartz, “Change a Word, Change Your Life”, Psychology Today, 05 September 2018.

2. Kiều Tiến Dũng, “Khoa học phương Tây và triết lý phương Đông”, Người Việt Books, 2016. Những ai muốn tìm hiểu thêm về vật lý lượng tử hay những triết lý sâu sắc về tương quan giữa triết lý phương Đông và khoa học phương Tây nên tìm đọc cuốn sách này.

3. Carol Dweck, “Developing a Growth Mindset with Carol Dweck”, Stanford Alumni,

9 October 2014.

4. Susan R. Barry, “How to Grow New Neurons in Your Brain”, Psychology Today, 16 January 2011. Thomas Hills, “Creating and Caring for Your New Neurons”, Psychology Today, 17 November 2014.

5. Lara Boyd, “After watching this, your brain will not be the same”, TEDs Talks, 14 November 2015.

6. Nancy Colier, “Mindful Speech: Using Your Words to Help, Not Harm”, Psychology Today, 20 September 2018.

7. Nguyễn Gia Kiểng, “Chúng ta đang cần gì nhất?”, Thông Luận, 30 Tháng 8 năm 2018.

8. Marshall B. Rosenberg, “Nonviolent Communication”, A Language of Life, PuddleDancer Press, 2015; page 25.

Observing Without Evaluating

I can handle your telling me

what I did or didn’t do.

Anh I can handle your interpretations,

But please don’t mix the two.

If you want to confuse any issue,

I can tell you how to do it:

Mix together what I do

with how you react to it.

Tell me that you are disappointed

with the unfinished chores you see,

But calling me “irresponsible”

is no way to motivate me.

And telling me that you feeling hurt

when I say “no” to your advances,

But calling me a frigid man

won't increase your future chances.

Yes, I can handle your telling me

what I did or I didn't do,

And I can't handle your interpretations,

but please don’t mix the two.

  • Marshall B Rosenberg, PhD