Dường như sẽ không có ai hài lòng với mức thâm hụt dự kiến cao hơn được nêu trong phân tích mới về các kế hoạch kinh tế của Kamala Harris và Donald Trump.
Phân tích được công bố hôm 7/10 bởi ủy ban phi đảng phái về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm cho thấy nhiệm kỳ tổng thống của bà Harris có thể làm tăng nợ quốc gia trong 10 năm thêm 3.500 tỷ USD. Mặc dù chiến dịch của phó tổng thống khẳng định rằng các khoản đầu tư mà bà đề xuất vào tầng lớp trung lưu và nhà ở sẽ được bù đắp hoàn toàn bằng mức thuế cao hơn đối với các tập đoàn và những người giàu có. Hướng dẫn chính sách của chiến dịch của bà nêu rõ rằng bà Harris "cam kết thực hiện trách nhiệm tài chính – thực hiện các khoản đầu tư vốn sẽ hỗ trợ nền kinh tế của chúng ta, đồng thời chi trả cho các khoản này và giảm thâm hụt".
Cùng một phân tích cho biết các ý tưởng của cựu Tổng thống Trump có thể làm các khoản nợ tăng thêm 7.500 tỷ USD và có thể lên tới 15.200 tỷ USD. Mặc dù ông Trump cho rằng tăng trưởng sẽ rất mạnh dưới sự giám sát của ông đến mức không ai cần phải lo lắng về thâm hụt.
Báo cáo dài 34 trang do nhóm giám sát tài chính công bố đã nêu bật vấn đề vay nợ của chính phủ mà người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 sẽ phải đối mặt. Tổng nợ công liên bang đã lên tới 28.000 tỷ USD và dự kiến sẽ tiếp tục tăng vì doanh thu không theo kịp chi phí ngày càng tăng của An sinh xã hội, Medicare và các chương trình khác. Phân tích lưu ý rằng chi phí trả nợ đó tính theo đô la đã "vượt quá chi phí bảo vệ quốc gia hoặc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người Mỹ cao tuổi".
Dựa trên các bài phát biểu, tài liệu vận động tranh cử và bài đăng trên mạng xã hội của các ứng cử viên tổng thống Mỹ, phân tích cảnh báo thẳng thắn rằng: "Nợ sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn nền kinh tế theo kế hoạch của bất kỳ ứng cử viên nào và trong hầu hết các kịch bản sẽ tăng nhanh hơn và cao hơn so với luật hiện hành".
Không ứng cử viên nào nhấn mạnh một cách có ý nghĩa về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách trong bài phát biểu của họ với cử tri. Nhưng nhiều phân tích cho thấy sự khác biệt rõ ràng là bà Harris có trách nhiệm về mặt tài chính hơn nhiều so với ông Trump.
Giáo sư Jason Furman của Đại học Harvard, người từng là kinh tế gia hàng đầu tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, ước tính trong một bài xã luận cho tờ The Wall Street Journal rằng các kế hoạch của bà Harris có thể cắt giảm thâm hụt 1.500 tỷ USD hoặc tăng thâm hụt thêm 1.500 tỷ USD. Trong khi đó, ước tính của vị giáo sư này cho thấy các kế hoạch của ông Trump sẽ làm tăng thâm hụt thêm 5.000 tỷ USD, mặc dù con số đó không bao gồm các kế hoạch của ông Trump về việc không đánh thuế tiền làm thêm giờ và bãi bỏ giới hạn khấu trừ thuế của tiểu bang và địa phương.
Những ước tính khác của The Budget Lab tại Đại học Yale và của Penn Wharton Budget Model cũng cho thấy bà Harris sẽ kiểm soát thâm hụt tốt hơn.
Phân tích của Ủy ban về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm ước tính rằng các ý tưởng chính sách của bà Harris có thể làm nợ quốc gia tăng thêm 3.500 tỷ USD cho đến năm 2035. Kết luận đó phụ thuộc vào cách tính toán của họ về chi phí của các chương trình khác nhau.
Phân tích này dự báo rằng bà Harris sẽ thực hiện giảm thuế 4.600 tỷ USD, bao gồm gia hạn một số khoản cắt giảm thuế năm 2017 sắp hết hạn mà ông Trump đã ký thành luật và giảm thuế cho cha mẹ cũng như không đánh thuế đối với thu nhập từ tiền boa cho nhân viên khách sạn. Khoảng 4.000 tỷ USD tiền thuế cao hơn đánh vào các tập đoàn và những người giàu có sẽ không đủ để trang trải toàn bộ chi phí cho chương trình nghị sự của bà và lãi suất bổ sung cho khoản nợ mà nó có thể tạo ra.
Tuy nhiên, bản phân tích lưu ý rằng các con số của nó phụ thuộc vào nhiều cách diễn giải khác nhau về những gì bà Harris đã nói. Có khả năng chương trình nghị sự của bà Harris sẽ không làm tăng thêm thâm hụt cơ sở, nhưng báo cáo cũng cho biết nó có thể làm tăng thêm tới 8.100 tỷ USD nợ trong trường hợp có vẻ là tồi tệ nhất.
Ngược lại, các ý tưởng của ông Trump có khả năng sẽ làm tăng thêm 7.500 tỷ USD nợ. Khoản doanh thu thuế quan 2.700 tỷ đô la của ông sẽ không đủ để trang trải 9.200 tỷ USD tiền cắt giảm thuế và các khoản chi bổ sung như 350 tỷ USD để bảo vệ biên giới và trục xuất những người nhập cư trái phép.
Nhưng bản phân tích đưa ra các khả năng khác cho thấy thâm hụt cao hơn nhiều dưới thời ông Trump. Nếu thuế quan của ông thu được ít tiền hơn và có chi phí cao hơn cho các đợt trục xuất hàng loạt di dân và giảm thuế của ông, thì nợ quốc gia có thể tăng thêm 15.200 tỷ USD.
Mặt khác, nếu thuế quan tăng 4.300 tỷ USD và không có chi phí liên quan đến trục xuất, thì kế hoạch của ông Trump chỉ có thể làm tăng nợ thêm 1.500 tỷ USD trong 10 năm.