Các nhà khoa học tìm kiếm nguồn gốc của COVID-19 đã tập trung vào một danh sách ngắn các loài động vật có thể đã góp phần lây lan dịch bệnh cho con người, một nỗ lực mà họ hy vọng có thể tạo điều kiện cho họ truy tìm nguồn gốc của dịch bệnh.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích vật liệu di truyền thu thập được từ chợ Trung Quốc, nơi phát hiện ra đợt bùng phát đầu tiên và phát hiện ra rằng những loài động vật có khả năng cao nhất là lửng chó, mèo cầy hương và chuột tre. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng những loài động vật bị nhiễm bệnh lần đầu tiên được đưa đến chợ Vũ Hán vào cuối tháng 11 năm 2019, sau đó gây ra đại dịch.
Ông Michael Worobey, một trong những tác giả của nghiên cứu mới, cho biết họ đã tìm ra nhóm động vật nào có thể đã truyền virus corona cho con người. Điều đó có thể giúp các nhà nghiên cứu xác định chính xác nơi virus thường lưu hành ở động vật, được gọi là vật chủ tự nhiên của nó.
“Ví dụ, với loài lửng chó, chúng ta có thể chứng minh rằng loài lửng chó [ở chợ]… thuộc một phân loài lưu hành nhiều hơn ở các vùng phía nam Trung Quốc”, ông Worobey, một nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Arizona, cho biết. Biết được điều đó có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu được những loài động vật đó đến từ đâu và chúng được bán ở đâu. Sau đó, các nhà khoa học có thể bắt đầu lấy mẫu dơi trong khu vực, vốn được biết đến là vật chủ tự nhiên của các loại virus corona liên quan như SARS.
Mặc dù nghiên cứu củng cố trường hợp COVID-19 xuất phát từ động vật, nhưng chưa giải quyết được cuộc tranh luận phân cực và chính trị về việc liệu virus này có xuất phát từ một phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Trung Quốc hay không.
Ông Mark Woolhouse, một giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, cho biết phân tích di truyền mới cho thấy rằng đại dịch “có nguồn gốc tiến hóa từ chợ” và rất khó có khả năng COVID-19 đã lây nhiễm cho con người trước khi nó được xác định tại chợ Hoa Nam.
“Đây là một phát hiện quan trọng và điều này làm thay đổi cục diện theo hướng có lợi hơn cho nguồn gốc động vật”, ông Woolhouse, người không liên quan đến nghiên cứu, nói. “Nhưng vẫn chưa có kết luận chắc chắn”.
Một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới dẫn đầu đã kết luận vào năm 2021 rằng loại virus này có thể lây lan từ động vật sang người và khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”. Sau đó, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết vẫn còn quá sớm để loại trừ khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm.
Một cuộc điều tra của AP vào tháng 4 đã phát hiện ra rằng cuộc tìm kiếm nguồn gốc của COVID ở Trung Quốc đã đi vào bế tắc sau cuộc đấu đá chính trị.
Các nhà khoa học cho biết họ có thể không bao giờ biết chắc chắn loại virus này đến từ đâu.
Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Cell vào ngày 19/9, các nhà khoa học từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Úc đã phân tích dữ liệu trước đó do các chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc công bố. Nghiên cứu bao gồm 800 mẫu vật liệu di truyền mà công nhân Trung Quốc thu thập vào ngày 1 tháng 1 năm 2020 từ chợ hải sản Hoa Nam, một ngày sau khi chính quyền thành phố Vũ Hán lần đầu tiên lên tiếng cảnh báo về một loại virus đường hô hấp chưa xác định.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã công bố trình tự gen mà họ tìm thấy vào năm ngoái, nhưng không xác định được bất kỳ loài động vật nào có thể bị nhiễm virus corona. Trong phân tích mới, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật có thể xác định các sinh vật cụ thể từ bất kỳ hỗn hợp vật liệu di truyền nào được thu thập trong môi trường.
Ông Worobey cho biết thông tin này cung cấp “một cái nhìn về những gì [có tại chợ] trước khi đại dịch bắt đầu” và các phân tích di truyền như của họ “giúp lấp đầy khoảng trống về cách thức virus có thể bắt đầu lây lan lần đầu tiên”.
Ông Woolhouse nói nghiên cứu mới, mặc dù có ý nghĩa quan trọng, nhưng vẫn còn một số vấn đề quan trọng chưa được giải đáp.
“Không nghi ngờ gì về việc COVID đã lưu hành tại khu chợ đó, nơi có rất nhiều động vật”, ông nói. “Câu hỏi còn lại là làm thế nào mà nó đến đó được”.