Các giới chức cấp cao của Pháp nói vụ nổ súng hôm thứ Năm ở Paris và một âm mưu tấn công bị cảnh sát phá vỡ ở Marseilles hồi đầu tuần là một phần của mưu đồ gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử sắp tới của Pháp.
Giới hữu trách lo rằng sẽ có thêm các vụ khủng bố đang được hoạch định, và có thể có tấn công khủng bố trong ngày bầu cử.
Ông Thibault de Montbrial, cựu giám đốc Trung tâm Phân tích và Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Pháp, nói với nhật báo Le Figaro rằng “bọn chúng muốn gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị của Pháp bằng cách tấn công trực tiếp vào sinh hoạt chính trị hoặc vào tổ chức của cuộc bầu cử.”
Giới hữu trách Pháp cho hay hung thủ, mà bộ phận tin tức Amaq của nhóm Nhà nước Hồi giáo nhanh chóng loan tin tên là Abu Yousif al-Bajiki, người Bỉ, dùng tiểu liên Kalashnikov (súng AK) bắn vào một xe cảnh sát đang đậu trên đại lộ Champs-Élysées. Ba cảnh sát viên và một du khách bị trúng đạn trong vụ tấn công xảy ra bên ngoài cửa hàng quần áo Marks and Spencer.
Hung thủ bị cảnh sát bắn chết khi đang tìm cách tẩu thoát. Một cảnh sát viên thiệt mạng tại hiện trường. Những người chứng kiến kể lại rằng nhân viên cảnh sát bị bắn chết khi đang ngồi trong chiếc xe đậu tại một chốt đèn giao thông. Hung thủ vượt qua một chiếc xe ở cạnh đó và nổ súng nhắm thẳng vào chiếc xe an ninh.
Một người phát ngôn của bộ an ninh nội địa Pháp nói rằng có hơn một kẻ tấn công tham gia trong vụ này và chúng “cố tình nhắm mục tiêu vào cảnh sát.” Một nghi can thứ hai đã ra đầu thú với nhà cầm quyền hôm thứ Sáu tại thị trấn Antwerp bên Bỉ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã họp khẩn cấp với các cố vấn cấp cao và trưởng ngành an ninh hôm thứ Sáu để bàn về kế hoạch bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật này. Nhà lãnh đạo Pháp sau đó nói với các phóng viên báo chí rằng “cả nước sẽ truy điệu cảnh sát viên bị sát hại bằng cách đê hèn này.”
Chuyên gia chống khủng bố Oliver Guitta người Anh nói với đài VOA rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo nhanh chóng một cách bất thường tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công dường như là dấu hiệu cho thấy vụ nổ súng này không phải được gợi hứng bởi nhóm khủng bố đó mà chính Nhà nước Hồi giáo đã âm mưu thực hiện.
Ông Guitta, giám đốc tổ chức tư vấn rủi ro GlobalStrat có trụ sở ở London, nhận định tiếp rằng: “Khả năng sẽ xảy ra thêm các vụ tấn công trong cuộc bầu cử ở Pháp là rất cao.”
Vụ nổ súng xảy ra vào lúc 11 ứng cử viên tranh chức tổng thống đang tranh luận trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Pháp. Một số nhà phân tích chính trị dự đoán rằng vụ tấn công có thể làm tăng vị thế cho bà Marine Le Pen, ứng cử viên theo chủ trương dân túy cực hữu với quan điểm cho rằng di dân đe dọa an ninh và văn hóa của Pháp.
Đối thủ của bà Le Pen nói rằng các phần tử thánh chiến Hồi giáo muốn bà chiến thắng, và cáo buộc chính sách chống di dân cứng rắn của bà sẽ giúp các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo chiêu dụ người. Những người ủng hộ bà Le Pen bác bỏ những lập luận đó.
Trong cuộc tranh luận, bà Le Pen, người đạt được vị trí cao nhất trong các cuộc thăm dò dư luận về vòng đầu của cuộc bầu cử vào Chủ nhật tới, đã nhấn mạnh quan điểm kiên quyết của bà kêu gọi Pháp rút khỏi hiệp ước đi lại tự do Schengen và thiết đặt kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Bà Le Pen nói: “Dòng di dân ồ ạt đang ở trước mặt chúng ta. Phải kiểm soát biên giới, bằng không chúng ta không thể ngăn chặn được làn sóng này.”
Trong lúc tin tức vụ tấn công lan truyền, các ứng cử viên hình như tìm cách công kích nhau về mức độ cứng rắn của các đề nghị bảo vệ nước Pháp trước các mối đe dọa khủng bố. Bà Le Pen nói: “Phải chấm dứt tình trạng sao lãng. Phải chấm dứt tình trạng ngây thơ.” Trong khi đó, ứng cử viên Francois Fillon của phe bảo thủ đề nghị bắt hàng trăm nghi can nổi dậy có tên trên danh sách cần theo dõi, giống như hung thủ trong vụ tấn công hôm thứ Năm.
Các nhà thăm dò dư luận nhiều tuần qua nói rằng cuộc đua tranh chức tổng thống Pháp sẽ diễn ra quyết liệt giữa bốn ứng cử viên hàng đầu, đó là bà Le Pen, ông Fillon, ông Emmanuel Macron, người theo chủ trương trung hữu và thân EU, và ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Melenchon. Các nhà phân tích nói rằng một sự kiện lớn xảy ra vào phút cuối có thể làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử.
Ông Macron, một cựu bộ trưởng kinh tế có ít kinh nghiệm về an ninh, có luận điệu ít cứng rắn hơn so với bà Le Pen và ông Fillon trong cuộc tranh luận hôm thứ Năm. Ông cảnh báo rằng nước Pháp có thể phải sống với khủng bố trong nhiều năm nữa. Trong một cuộc thăm dò hồi giữa tuần, ông Macron hình như vượt lên dẫn trước bà Le Pen đôi chút.
Hôm thứ Ba, cảnh sát ở Marseilles bắt giữ hai người đàn ông bị tình nghi “sắp” thực hiện một vụ tấn công ở Pháp. Cảnh sát cho biết đã tìm thấy chất nổ và súng đạn trong một căn hộ có liên quan đến hai nghi can này. Các ứng cử viên tổng thống được cơ quan an ninh khuyến cáo phải tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho cá nhân.
Cơ quan tình báo Pháp cho hay họ tình nghi hai người đàn ông ở Marseilles, cả hai đều có sinh quán tại Pháp và khoảng trên 20 tuổi, đang âm mưu thực hiện một vụ tấn công ngay trong ngày bầu cử.
Hồi giữa tuần này, ông Macron và bà Le Pen đã đấu khẩu qua lại về các biện pháp an ninh trong các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Bà Le Pen nói với đại phát thanh RFI: “Hiện nay các phần tử Hồi giáo cực đoan bảo thủ đang gây chiến và không có các biện pháp an ninh được áp dụng để ngăn chặn rủi ro.”
Ông Macron phản bác lại trên đài RTL: “Không bao giờ có chuyện không còn chút rủi ro nào. Tôi nghe bà Le Pen, hay bất cứ ai đó nói rằng họ có thể đảo ngược lại tình hình. Điều đó vừa là vô trách nhiệm vừa là một kẻ nói dối.”
Cách đây hai năm, đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen đã về nhất trong vòng một của các cuộc bầu cử khu vực diễn ra vài tuần sau các vụ tấn công khủng bố khiến 130 người thiệt mạng ở Paris năm 2015. Nhưng hình xu hướng ủng hộ đảng Mặt tận Quốc gia không kéo dài sang vòng đầu phiếu thứ hai và đảng này đã không giành được quyền kiểm soát ở bất cứ khu vực nào.