Pháp, Đức gánh vác trách nhiệm định hình đường lối ngoại giao EU

  • Lisa Bryant

Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) Tổng thống Đức Joachim Gauck tham dự buổi lễ ở Đài tưởng niệm Quốc gia Hartmannswillerkopf ở Wattwiller, miền đông Pháp, đánh dấu 100 năm thế chiến I nổ ra, 3/8/2014.

Các nhà lãnh đạo châu Âu trở về từ kỳ nghỉ hè sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế đang diễn ra - ở châu Phi, Trung Đông và Ukraine. Nay, hai cường quốc kinh tế của khối, Pháp và Đức, cũng đang nổi lên như là những nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu. Thay vì cạnh tranh giành ngôi đầu, các chuyên gia nói rằng Paris và Berlin đang giúp vạch ra một chính sách ngoại giao đồng bộ hơn của EU.

Những ngày gần đây mọi thứ dường như diễn biến không thuận lợi cho Tổng thống Pháp François Hollande - ngoại trừ chính sách đối ngoại của Pháp.

Sau khi phát động những chiến dịch quân sự chặn đứng tình trạng bạo lực ở Mali và Cộng hòa Trung Phi, chính phủ Pháp giờ để mắt đến Trung Đông. Tháng này, Pháp hối các bộ trưởng ngoại giao châu Âu cắt ngắn kỳ nghỉ của họ và trở lại Brussels, nơi họ thống nhất về việc vũ trang lực lượng người Kurd ở Iraq đang chiến đấu chống quân nổi dậy Nhà nước Hồi giáo. Paris cũng thừa nhận đã gửi vũ khí đến cho phe đối lập Syria và mở cửa cho người tỵ nạn Kitô giáo Iraq. Giờ ông Hollande đang thúc đẩy tổ chức một hội nghị quốc tế chống khủng bố vào tháng tới.

Phát biểu trước các đại sứ Pháp tại Paris, Tổng thống Hollande cho biết Pháp đang hành động về nhiều chính sách đối ngoại, cả về ngoại giao và quân sự. Chẳng hạn như về Syria, ông cho biết Pháp đã đúng trong việc thúc đẩy hành động quân sự năm ngoái nhắm vào chế độ Syria.

Trong một bài bình luận đầu năm nay, cựu giới chức ngoại giao và phó phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc Jean-Marie Guéhenno nói Pháp có vẻ là một trong số ít những nước thuộc Liên minh châu Âu vẫn còn giữ tham vọng chính sách đối ngoại. Ông nói các nước châu Âu khác dường như đang hướng nội và đang từ bỏ ý định nỗ lực định hình thế giới ngày nay.

Nhưng một quốc gia châu Âu khác cũng đang hướng ngoại là Đức. Đức đã đi đầu trong việc cố gắng hóa giải cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đã đồng ý gửi vũ khí đến Iraq, một sự thay đổi đường lối ngoại giao từ sau thế chiến của nước này.

Cùng nhau, hai cường quốc kinh tế của khu vực và hai cựu thù có thể đóng vai trò trọng yếu để vạch ra một chính sách đối ngoại đồng bộ hơn của Liên minh châu Âu. Đó là đánh giá của ông Edouard Tetreau, giám đốc văn phòng Paris của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu.

Ngoại trưởng bốn nước Pháp, Ukraine, Đức, Nga (từ trái sang) đi dạo trước khi tham dự cuộc họp ở Nhà khách Bộ Ngoại giao ở Berlin, 17/8/2014.

"Đó là về lợi ích chung,” ông Tetreau nói. “Đó cũng là về việc [Ngoại trưởng Pháp Laurent] Fabius và [Ngoại trưởng Đức Frank-Walter] Steinmeier muốn bảo đảm rằng đường lối ngoại giao châu Âu đi đúng hướng. Đây không phải là sự cạnh tranh mà là sự hợp tác chặt chẽ hơn."

Hai nước đã tạo nên những khoảng không gian ảnh hưởng riêng biệt và dường như bổ trợ nhau trong việc giải quyết các cuộc xung đột hiện nay. Ông Steven Ekovich, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học American ở Paris, nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức giữ vai trò lãnh đạo về vấn đề Ukraine, đi tiên phong trong việc thúc đẩy những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của EU nhắm vào Nga.

"Không cách gì mà Pháp có thể đóng vai trò quan trọng hơn Đức trong vấn đề Ukraine, hay ở Nga. Đức là sân sau của họ - hoặc để Đức làm sân trước của họ," ông Ekovich nhận xét.

Sân sau của Pháp là châu Phi cận Sahara.

Ông Ekovich nói tại đó Pháp dẫn đầu và cần phải dẫn đầu. “Họ có trách nhiệm dẫn đầu khi cần có sự can thiệp nhân đạo,” ông nói.

Tại Trung Đông, Pháp xoay 180 độ khỏi lập trường chống đối của mình hồi năm 2003 về cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu ở Iraq. Năm ngoái - và trong một khung cảnh khác hẳn - Pháp thúc giục thực hiện các cuộc không kích nhắm vào chính phủ của ông Bashar al-Assad ở nước láng giềng Syria. Tổng thống Hollande thừa nhận Pháp cũng đã vũ trang phe đối lập ôn hòa của Syria. Nay Pháp cũng đang gửi vũ khí tới cho người Kurd ở Iraq.

Nhà phân tích Tetreau nói Pháp đã "làm đúng" một thập niên trước – và bây giờ cũng vậy.

"Đây không phải là may mắn hay khoe khoang về những khoảnh khắc ngoại giao,” ông Tetreau nói. “Đó là nhờ thông tin tình báo về những gì đang diễn ra trên thực địa. Phải mất nhiều thập kỷ hiện diện trên thực địa và phải có sự hiểu biết về những gì đang xảy ra trong khu vực để làm đúng."

Ở một số lĩnh vực, lợi ích quốc gia của Pháp và Đức hội tụ. Paris ước tính hàng trăm công dân Pháp đã nhập hội cùng những chiến binh thánh chiến ở Iraq và Syria, đề ra mối đe dọa an ninh khi họ trở về Pháp. Đức cùng chung nỗi sợ đó, và chính nỗi sợ này đã giúp định hình quyết định của Berlin vũ trang lực lượng người Kurd chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Về một số vấn đề cơ bản, Paris và Berlin vẫn còn cách biệt khá xa. Ông Hollande không được lòng nhiều người ở Pháp, trong khi Thủ tướng Angela Merkel được ủng hộ mạnh mẽ ở Đức. Pháp từ lâu vẫn ngần ngại trước những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt của Đức đối với châu Âu. Nhưng năm nay, ông Hollande cải tạo những chính sách kinh tế của mình, chấp nhận một số biện pháp thắt lưng buộc bụng. Sự đảo chiều này đã góp phần đưa tới cuộc cải tổ chính phủ Pháp trong tuần này - và, một số nhà quan sát nói rằng, có thể tăng cường vị thế của Đức ở châu Âu trước một nước Pháp suy yếu.