Các giới chức Mỹ cho biết John Glenn, phi hành gia Mỹ đầu tiên bay trên quỹ đạo trái đất từ trần thọ 95 tuổi.
Ông Glenn qua đời ngày thứ Năm 8 tháng 12, 2016, hơn một tuần lễ sau khi vào bệnh viện Ung thư James, Trường đại học tiểu bang Ohio OSU. Trường đại học về Các vấn đề Công cộng thuộc OSU loan tin này.
Tổng thống Barack Obama đưa ra một tuyên bố nói rằng với sự qua đời của ông Glenn “đất nước chúng ta mất một thần tượng và Michelle và tôi mất một người bạn.” Tổng thống Obama ca ngợi ông Glenn đã phá vỡ những rào cản, trong đó có việc tạo ra một kỷ lục về tốc độ xuyên lục địa và trở thành người già nhất bay vào không gian.
Tổng thống tân cử Donald Trump phản ứng về việc ông Glenn từ trần qua Twitter “Hôm nay chúng ta mất ông John Glenn, một nhà thám hiểm hàng không và không gian vĩ đại. Ông là một anh hùng và là nguồn cảm hứng của những thế hệ các nhà thám hiểm trong tương lai. Ông sẽ được mọi người nhớ mãi.”
Ông Glenn là người sống sót cuối cùng của một nhóm được gọi là “Mercury 7”-là nhóm 7 phi công quân sự thử nghiệm được chọn vào năm 1959 để trở thành những phi hành gia đầu tiên của nước Mỹ.
Trong một tuyên bố tổng thống Obama nói “Phi hành gia cuối cùng trong số những phi hành gia đầu tiên của nước Mỹ đã rời bỏ chúng ta, nhưng được thúc đẩy vì tấm gương của họ, chúng ta biết rằng tương lai chúng ta trên trái đất buộc chúng ta tiếp tục vươn tới những tầng trời cao.”
Sau khi phục vụ trong tư cách là một phi công quân sự trong Thế Chiến Thứ Hai và trong cuộc chiến Triều Tiên, ông Glenn trở thành phi công thử nghiệm trên những máy bay phản lực chiến đấu của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ và chiếm được một chỗ trong lớp học đầu tiên các phi hành gia Mỹ được Cơ quan Quản trị Hàng không và Không gian Mỹ, gọi tắt là NASA tổ chức, vào năm 1958.
Ông Glenn trở thành phi hành gia Mỹ đầu tiên bay trên quỹ đạo trái đất với phi thuyền Friendship 7. Phi thuyền này bay vòng quanh trái đất 3 lần trong gần 5 giờ bay vào ngày 20 tháng 2 năm 1962.
Trong chuyến bay này, ông Glenn nói với các kỹ sư ở mặt đất về một giai đoạn ông cảm thấy “Vô trọng lực và vẫn khỏe.” Ý ông Glenn muốn nói là ông đã thực hiện được tình trạng vô trọng lực trong không gian.
Ông Glenn cũng có những khát vọng chính trị. Là một đảng viên Dân chủ lâu đời, ông tranh cử Thượng nghị sĩ tiểu bang Ohio vào năm 1964 nhưng thất bại. Mười năm sau đó ông đắc cử vào thượng viện Mỹ. Ông bảo vệ những chỉ trích về thành tích quân sự của ông trong những nhận xét sau đó được biết đến với tên bài diễn văn “Những Bà mẹ Ngôi sao Vàng".
Trong những cuộc bầu cử sơ bộ vào năm 1974, đối thủ Howard Metzenbaum, cáo buộc ông Glenn, một sĩ quan chuyên nghiệp, là không bao giờ giữ một công việc thực sự. Ông Glenn trả lời “Bạn đi với tôi đến bất cứ bà mẹ Ngôi sao Vàng nào (là bà mẹ có con trai tử trận) và nhìn vào mắt bà và nói với bà là con của bà không có việc làm.”
Ông Glenn thắng trong cuộc bầu cử này và trở thành một Thượng nghị sĩ cho đến năm 1999. Trong những tháng trước khi qua đời, ông Glenn là một cựu nghị sĩ sống lâu nhất.
Ông Glenn bay vào không gian lần cuối cùng vào năm 1998 ở tuổi 77. Một số người chỉ trích việc ông tham dự chuyến bay 9 ngày của phi thuyền con thoi Discovery là điên rồ. Tuy nhiên những người ủng hộ nói những số liệu về tình trạng thể chất của ông Glenn trong chuyến bay có thể so sánh với số liệu của ông cách đây hơn 3 thập niên. Những dữ liệu này là những tài liệu quí giá cho thấy những chuyến bay không gian ảnh hưởng đến cơ thể con người ở những độ tuổi khác nhau như thế nào.
Sau khi rời thượng viện vào năm 1999, ông Glenn giúp thành lập một trường về dịch vụ công cộng tại trường đại học tiểu bang Ohio, sau này trở thành Trường đại học về các Vấn đề Công cộng John Gleen. Ông giảng dạy tại đây trong tư cách là một giáo sư phụ tá.
Ông Glenn nhận được nhiều tước vị và giải thưởng, trong đó có những bằng danh dự tại một số trường đại học, Giải thưởng Woodrow Wilson về Công vụ, giải thưởng phục vụ công cộng của Thượng viện Mỹ, và Huy chương Tự do của Tổng thống Hoa Kỳ.