Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng vừa bị tuyên y án 5 năm tù và 5 năm quản lý tại một phiên tòa phúc thẩm ở Hà Nội mà không có luật sư bào chữa và gia đình không được thông báo.
Kênh Kiểm Sát TV của Viện Kiểm Sát Nhân dân tối cao loan tin rằng phiên tòa phúc thẩm diễn ra hôm 20/4. Kênh này dẫn cáo trạng cho biết bị cáo Lê Trọng Hùng, 43 tuổi, đã đăng tải 7 video clip “có nội dung chống phá, xuyên tạc đường lối của nhà nước” lên Facebook, dù ông Hùng cho rằng việc đăng tải các clip là không phạm tội.
Ông Hoàng Minh Thành, đại diện Viện Kiểm Sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội, cho biết việc y án bị cáo Hùng “là đúng tội, đúng người”, vẫn theo kênh Kiểm Sát TV.
“Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của bị cáo Hùng là rất nghiêm trọng vì trực tiếp xâm phạm đến an ninh quốc gia, phỉ báng chính quyền nhân dân và chế độ XHCN, gây mất ổn định trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và sự thống nhất về nền tảng, chính trị, tư tưởng của quốc gia, ảnh hưởng đến lòng tin của quần chúng nhân dân vào thể chế chính trị của nhà nước”, kênh truyền thông của Viện Kiểm Sát cho biết.
Bà Đỗ Lê Na, vợ của ông Hùng, hôm 22/4, nói với VOA rằng gia đình không hề hay biết gì về phiên phúc thẩm xét xử ông Hùng và không được tòa án gửi thông báo. Bà chỉ biết phiên phúc thẩm đã diễn ra theo lời của một nhân viên trại giam số 1 Hà Nội khi bà đi gửi đồ cho chồng vào buổi sáng cùng ngày.
Bà Lê Na nói:
“Với trường hợp của chồng tôi thì hoàn toàn không có tin tức nào hết. Tôi đã dự định sẽ thuê luật sư cho chồng, nhưng do không có thông tin về đơn kháng án nên tôi cũng chưa kịp thuê luật sư.
“Bây giờ có thông tin rằng họ đã xử phúc thẩm chồng tôi rồi, tôi không rõ họ tự chỉ định luật sư hay chồng tôi tự bào chữa”.
VOA đã liên lạc tòa nhân dân cấp cao tại Hà Nội để tìm hiểu thêm về phiên xử phúc thẩm ông Lê Trọng Hùng, nhưng chưa được phản hồi.
Nhận định về bản án đối với ông Hùng, bà Lê Na nói:
“Phiên tòa dành cho chồng tôi cũng như nhiều người bất đồng chính kiến khác ở Việt Nam nó hoàn toàn không dựa vào một chuẩn mực nào của luật pháp quốc tế cũng như luật pháp trong nước cả. Họ tự biên tự diễn, và bản án của họ hoàn toàn là bản án bỏ túi. Chính vì vậy mà tôi không công nhận bản án này”.
Trước đó, vào ngày 31/12/2021, trong phiên xử chưa đầy hai giờ đồng hồ, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra bản án sơ thẩm đối với ông Hùng theo điều 117 Bộ Luật Hình sự quy định về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 hồi tháng 5/2021, ông Lê Trọng Hùng, nhà đồng sáng lập kênh kênh Chấn Hưng TV hay còn có tên là CHTV - thường phơi bày vấn nạn tham nhũng trong nước, đã ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Hai tháng trước ngày bầu cử, công an Hà Nội đã bắt giam ông với cáo buộc như nêu trên.
Ngay sau phiên sơ thẩm, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đã lên án bản án này và kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam ‘trả tự do cho ông Hùng ngay lập tức’.
Ông Daniel Bastard, người phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF, nêu nhận định: “Bản án gây sốc 5 năm tù của Lê Trọng Hùng một lần nữa cho thấy hệ thống tư pháp Việt Nam hoàn toàn thiếu độc lập và sự hạn chế của tòa đến mức nào khi thực hiện mệnh lệnh của Đảng Cộng sản cầm quyền”.
Các tổ chức quốc tế như Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), Theo dõi Nhân quyền (HRW) cũng lên tiếng bênh vực cho ông Hùng và kêu gọi chính quyền Việt Nam phóng thích ông.