Trung Quốc không có quyền bảo Philippines làm gì hay không làm gì trong các vùng lãnh hải của Philippines, Bộ quốc phòng của Manila tuyên bố hôm 28/4, gạt bỏ sự chống đối của Bắc Kinh đối với các cuộc diễn tập của lực lượng tuần duyên Philippines đang diễn ra.
Bộ trưởng quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với các nhà báo rằng Trung Quốc “không có quyền hay cơ sở pháp lý nào để ngăn cản chúng tôi thực hiện các cuộc diễn tập” trong Biển Đông bởi vì “những tuyên bố chủ quyền của họ… không có cơ sở.”
Lực lượng tuần duyên và Cục Ngư nghiệp Philippines đã khởi sự các cuộc diễn tập hàng hải từ thứ Bảy 24/4 bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, tiếp theo sau thông báo của Manila rằng họ sẽ tăng cường sự hiện diện tại đây để chống lại sự hiện diện có tính cách đe dọa” của các tàu Trung Quốc.
Phản ứng trước các cuộc diễn tập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai nói rằng Philippines nên “ngưng các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang tranh chấp.”
Đáp lại bằng một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Philippines nói:
“Trung Quốc không có quyền bảo Philippines phải làm gì, hoặc không được làm gì.”
Trong những tuần gần đây, Philippines đã có những lời lẽ cứng rắn hơn chống lại sự hiện diện của hàng trăm tàu Trung Quốc bên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, làm căng thẳng tăng cao so với tình hình hòa dịu trước đây do Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra nồng ấm với Bắc Kinh.
Hôm 28/4, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin ra lệnh gửi đi thêm một công hàm ngoại giao, một trong hơn một chục công hàm hồi gần đây, để đáp lại phát biểu của Bắc Kinh
“Họ có thể nói bất cứ gì họ muốn từ Hoa lục, chúng ta sẽ tiếp tục thực thi quyền tự chủ trên các vùng biển của chúng ta dựa trên luật pháp quốc tế và phán quyết trao phần thắng cho chúng ta tại tòa án quốc tế La Haye. Điều chúng ta phải làm là tiếp tục phản đối,” Ngoại trưởng Locsin chia sẻ trên trang Twitter.
Các cuộc diễn tập diễn ra gần một hòn đảo do Philippines kiểm soát tại quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough - nơi đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt mà tòa án quốc tế nói là “ngư trường truyền thống” của nhiều quốc gia.
Ông Lorenzana nói chính Trung Quốc mới làm phức tạp thêm tình hình khi chiếm đóng trái phép các bãi đá ngầm và xây chúng lên thành các đảo nhân tạo.
“Chính họ mới là bên lấn đất lấn biển, và họ nên ngưng lại và ra khỏi nơi này.”