Trong bài phát biểu của mình hôm 11/10, Thủ tướng Lý của Trung Quốc kêu gọi các quốc gia ngoài khu vực Đông Nam Á tôn trọng và ủng hộ các nỗ lực hòa bình của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đóng vai trò xây dựng trong nền hòa bình và sự ổn định của khu vực. Ông không nêu cụ thể tên của quốc gia nào.
Không đề cập đến bất kỳ quốc gia hay sự cố nào, ông Lý nói rằng Trung Quốc luôn nhấn mạnh vào việc giải quyết các bất đồng với các quốc gia liên quan thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời tích cực thực hiện hợp tác thiết thực trên biển, hãng thông tấn chính thức Tân Hoa Xã đưa tin.
Ông Lý cũng nói rằng Trung Quốc và các nước ASEAN đang "nỗ lực để sớm hoàn tất" bộ quy tắc ứng xử.
Dựa trên các bản đồ cổ, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền về gần như toàn bộ Biển Đông và đã triển khai đội tàu hải cảnh hùng hậu vào sâu trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc và ASEAN nhất trí về ý tưởng lập ra bộ quy tắc hàng hải lần đầu tiên là vào năm 2002 nhưng phải đến năm 2017 quá trình chính thức để soạn ra bộ quy tắc mới bắt đầu. Kể từ đó, tiến độ rất chậm chạp. Một số thành viên ASEAN lo ngại rằng bộ quy tắc ứng xử sẽ không có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Hôm thứ Năm 10/10, tại hội nghị thượng đỉnh của khu vực, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos (con) thúc giục các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc khẩn trương tăng tốc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh quấy rối và đe dọa.
Phát biểu tại Lào trước các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, ông Marcos nói cần phải có tiến triển thực chất và tất cả các bên phải "thực sự cởi mở để quản lý các bất đồng một cách nghiêm túc" và giảm căng thẳng.
Trung Quốc và Philippines, đồng minh của Mỹ, lâu nay bất đồng quan điểm và có một loạt các cuộc đối đầu gần các khu vực trong vòng tranh chấp ở Biển Đông.
Các cuộc đấu khẩu, chạm trán đã trở nên dữ dội và làm dấy lên mối lo ngại trong khu vực rằng tình trạng leo thang rốt cuộc có thể sẽ kéo Mỹ vào cuộc. Mỹ có hiệp ước phòng thủ ký năm 1951 bao gồm lời cam kết bảo vệ Philippines nếu nước này bị tấn công.
"Cần phải gấp gáp hơn nữa về tốc độ đàm phán Bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc", ông Marcos phát biểu tại hội nghị, theo một tuyên bố từ văn phòng của ông.
"Thật đáng tiếc khi tình hình chung ở Biển Đông vẫn căng thẳng và không thay đổi. Chúng ta tiếp tục phải chịu sự quấy rối và đe dọa", vẫn lời ông.