Phố đèn đỏ ở Việt Nam: nên hay không nên?

Phố đèn đỏ về đêm ở Bangkok. Đề xuất mở phố đèn đỏ ở Việt Nam đang gây tranh cãi trong công chúng về việc có nên hợp pháp hóa nghề mại dâm.

Ngay sau khi một đại biểu quốc hội đề xuất mở “khu phố vui chơi đèn xanh đèn đỏ” ở các đặc khu kinh tế, một cuộc tranh luận đã nổ ra về việc nên hay không nên hợp pháp hóa mại dâm ở những nơi này.

Theo đề xuất của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, để tăng cao tính cạnh tranh quốc tế của các đặc khu kinh tế sắp mở ở Việt Nam, phải “cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không có.”

"(Nếu) người ta cho mở (hợp pháp hóa) thì có thể thu thuế và kiểm soát được luật về bóc lột tình dục cũng như nhiều vấn đề khác."
Luật sư Trần Vũ Hải

Theo báo chí trong nước, ông Hiển đưa ra đề xuất này trong một buổi thảo luận về luật Hành chính Kinh tế đặc biệt ngày 11/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Các nhà làm luật sẽ đưa ra những quyết định cuối cùng vào cuối năm nay về các chính sách ưu đãi đối với những đặc khu kinh tế, dự kiến sẽ không bị ràng buộc vào các luật lệ của địa phương.

Nếu được chấp thuận, “phố đèn xanh đèn đỏ,” hay theo cách nói của một chuyên gia văn hóa du lịch là “ngành công nghiệp sex”, và sòng bạc sẽ được hợp pháp hóa tại 3 đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn ở Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc ở Kiên Giang.

Kinh doanh mại dâm hiện tại bị cấm theo luật hiện hành ở Việt Nam. Những người tổ chức mại dâm đều bị xem là tội phạm hình sự và những người tham gia bán dâm sẽ bị xử phạt hành chính.

Một nhóm những người làm nghề mại dâm tại một quán karaoke ở TpHCM. Mại dâm vẫn là một nghề không được hợp pháp hóa ở Việt Nam.


Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động mại dâm đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức núp bóng một số dịch vụ vui chơi giải trí khác.

"Thực ra ở Việt Nam cũng có những vùng như thế rồi và (chính quyền) cũng thả. Ở Đồ Sơn chính quyền cũng lờ đi," theo luật sư Trần Vũ Hải. "Nhưng ví dụ lẽ ra người ta cho mở (hợp pháp hóa) thì có thể thu thuế và kiểm soát được luật về bóc lột tình dục cũng như nhiều vấn đề khác."

Luật sư Hải nói với VOA rằng để làm được điều này, “Việt Nam cần phải thay đổi 1 điều luật hoặc có 1 điều luật riêng về vấn đề này hoặc ghi vào trong 1 điều luật nào đó hoặc thay đổi bộ luật hình sự.”

Hiện có hơn 100.000 người hành nghề mại dâm ở Việt Nam.
Dữ liệu của ILO công bố 9/2016

Cuộc tranh cãi có nên hợp pháp hóa mại dâm và coi đó là một nghề hay không đã diễn ra trong nhiều năm qua và quan niệm của công chúng về những người hành nghề mại dâm đã thay đổi khi họ được nhìn dưới con mắt bớt khắt khe hơn so với trước đây, theo cựu phó giám đốc sở Văn hóa và Du lịch Quảng Ninh Hoàng Quốc Thái.

Trong 1 thăm dò của báo Tuổi Trẻ, 80% bạn đọc ủng hộ việc mở “phố đèn đỏ”. Luật sư Hải cho rằng điều đó thể hiện rằng “xã hội Việt Nam đã bắt đầu thông thoáng.”

Một trong những bạn đọc của báo Tuổi Trẻ ủng hộ đề xuất gây tranh cãi này viết: “Bán dâm là 1 nghề có từ xa xưa. Có cấm thì nó vẫn tồn tại, phát triển và càng biến tướng. Vậy thì cứ hợp thức hóa nó để quản lý.”

Đảo Phú Quốc là một trong 3 đặc khu kinh tế được đề xuất có "phố đèn đỏ." (ảnh chụp màn hình của Vietravel)

Trong khi đó, một bạn đọc khác lại có ý kiến trái chiều khi đặt câu hỏi “có chắc hợp pháp thì sẽ không còn việc mua bán phụ nữ (ép bán dâm), sẽ hạn chế lây lan HIV? Giờ đang cấm mà không quản lý được, tới khi cho phép thì sao quản lý?”

Vấn đề quản lý cũng là một câu hỏi mà cựu giám đốc sở Văn hóa và Du lịch Quảng Ninh đặt ra.

"Quản lý của nhà nước thế nào? Chuyện đấy cần phải nghiên cứu. Nó liên quan đến vấn đề an ninh xã hội, y tế, an toàn, v.v. Còn là một giai đoạn dài để các nhà làm luật và các nhà quản lý phải đi đến thống nhất," theo ông Hoàng Quốc Thái.

Giám đốc sở Du lịch Kiên Giang Trần Trí Dũng được Tuổi Trẻ trích lời nói: “Đây là vấn đề nhạy cảm ở xã hội Việt Nam. Chỉ riêng việc cho phép dịch vụ giải trí có casino ở Phú Quốc thôi cũng phải bàn đi bàn lại rất nhiều lần, còn ở đây là hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nên tôi nghĩ không hề đơn giản.”

Nhưng thạc sỹ văn hóa Hoàng Quốc Thái cho rằng việc cho phép mở sòng bạc ở 1 số nơi như Đồ Sơn và sắp tới có thể là ở những đặc khu kinh tế sẽ dẫn tới việc cởi mở về hoạt động mại dâm.

Theo một khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố vào tháng 9/2016, hiện có hơn 100.000 người hành nghề mại dâm ở Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2013, chính phủ Việt Nam chính thức bãi bỏ quy định cải tạo phục hồi nhân phẩm bắt buộc đối với các đối tượng hành nghề mại dâm, và thay vào đó xử phạt hành chính từ 25-100 USD. Chính động thái này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc có nên hợp pháp hóa hoạt động mại dâm hay không.

Your browser doesn’t support HTML5

Tranh cãi về nên hay không nên mở phố đèn đỏ ở Việt Nam