Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày thứ Bảy cảnh báo rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraine sẽ tưởng thưởng cho hành vi gây hấn, trong khi hai cường quốc lời qua tiếng lại tại một hội nghị an ninh quan trọng ở Đức.
Tại Hội nghị An ninh Munich, bà Harris nói Mỹ "rất lo ngại về việc Bắc Kinh đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Moscow kể từ khi chiến tranh bắt đầu."
“Bất kì bước đi nào của Trung Quốc cung cấp hỗ trợ sát thương cho Nga sẽ chỉ tưởng thưởng cho hành vi gây hấn, tiếp tục sự giết chóc và làm suy yếu hơn nữa một trật tự dựa trên luật lệ,” bà nói.
Trung Quốc và Nga công bố quan hệ đối tác "không giới hạn" ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine một năm trước. Washington cảnh báo Bắc Kinh chớ cung cấp hỗ trợ vật chất cho nỗ lực chiến tranh hoặc giúp Moscow lách các chế tài của phương Tây.
Dù Trung Quốc đến nay đã tránh vi phạm những "lằn ranh đỏ" đó, họ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và mua năng lượng từ Nga bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi vì các vấn đề bao gồm vụ khí cầu tình nghi là do thám của Trung Quốc gần đây bay ngang qua lãnh thổ của Mỹ.
Bà Harris cũng lên án Iran và Triều Tiên hỗ trợ cuộc chiến của Nga.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Vương Nghị, ngày thứ Bảy sử dụng hội nghị an ninh này để chỉ trích Washington về phản ứng của họ về sự cố khí cầu, đề nghị các nước Châu Âu "bình tĩnh suy nghĩ" cách chấm dứt chiến tranh Ukraine, và nói thêm rằng có "một số lực lượng dường như không không muốn đàm phán thành công, hoặc chiến tranh kết thúc sớm."
"Có rất nhiều khí cầu bay khắp thế giới và nhiều quốc gia có khí cầu, Mỹ sẽ bắn hạ chúng hết sao?" ông Vương hỏi. Khí cầu bị bắn hạ theo lệnh của Tổng thống Joe Biden ngoài khơi bờ biển của bang South Carolina vào ngày 4 tháng 2.
“Chúng tôi yêu cầu Mỹ thể hiện sự chân thành và sửa chữa sai lầm của mình, phản tỉnh và giải quyết vụ việc đã gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ này,” ông nói.
Trong khi đó, bà Harris nói cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin có thể tăng cường các nỗ lực của các quốc gia "độc đoán" khác, một cách nói mà chính quyền Biden thường sử dụng để mô tả hệ thống chính trị của Trung Quốc.
“Nếu Putin thành công trong cuộc tấn công vào những nguyên tắc cơ bản này, các quốc gia khác có thể cảm thấy được khuyến khích noi gương theo cách đầy bạo lực của ông ta,” bà nói. “Các cường quốc độc đoán khác có thể tìm cách bẻ cong thế giới theo ý muốn của họ thông qua sự cưỡng ép, thông tin xuyên tạc và thậm chí là vũ lực."
Washington thường xuyên chỉ trích những nỗ lực của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan và Biển Đông.