Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã được các học sinh, vũ công và tay trống chào đón khi bà đến Ghana hôm 26/3 để bắt đầu chuyến thăm kéo dài một tuần tới châu Phi nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Mỹ với châu Phi trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về tương lai của lục địa này.
“Chúng tôi mong đợi chuyến đi này như là tuyên bố tiếp theo về mối quan hệ và tình hữu nghị lâu dài và bền vững, rất quan trọng giữa người dân Hoa Kỳ và những người dân sống trên châu lục này,” bà Harris nói.
“Thật vinh dự khi có mặt ở đây tại Ghana và trên lục địa châu Phi,” bà Harris nói. “Tôi rất hứng khởi về tương lai của châu Phi.” Bà cho biết bà muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực và hoan nghênh cơ hội ‘tận mắt chứng kiến sự đổi mới và sáng tạo phi thường đang diễn ra trên lục địa này’.
Ghana là một trong những nền dân chủ ổn định ở châu Phi, nhưng bà Harris đến thăm vào thời điểm có những thách thức nghiêm trọng đối với quốc gia Tây Phi này. Nền kinh tế nước này, vốn nằm trong số tăng trưởng nhanh nhất thế giới trước đại dịch COVID-19, phải đối mặt với khủng hoảng nợ và lạm phát tăng vọt vốn đang đẩy chi phí thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác lên cao.
Là một quốc gia có 34 triệu dân, nhỏ hơn Oregon một chút, Ghana cũng cảnh giác với các mối đe dọa từ sự bất ổn trong khu vực. Burkina Faso và Mali đều hứng chịu hai cuộc đảo chính trong những năm gần đây, và các nhánh địa phương của al-Qaida và Nhà nước Hồi giáo hoạt động trong vùng được gọi là Sahel ở phía bắc Ghana. Hàng ngàn người đã thiệt mạng và hàng triệu người khác đã rời bỏ nhà cửa.
Cuộc chiến đã tạo ra cơ hội cho đội quân lính đánh thuê Nga được gọi là Wagner, vốn duy trì sự hiện diện ở châu Phi mặc dù cũng tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine. Mali hoan nghênh Wagner sau khi đẩy quân Pháp ra, và có những lo ngại rằng Burkina Faso sẽ làm tương tự.
Những thách thức kinh tế và an ninh có thể sẽ được thảo luận vào ngày 27/3 khi bà Harris gặp Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo chung.
Họ đã gặp nhau hai lần trước đây, cả hai lần đều ở Washington.
Trong cuộc gặp đầu tiên hồi tháng 9 năm 2021, ông Akufo-Addo cho biết ‘thách thức lớn của chúng tôi’ – và cũng là thách thức của tất cả những ai muốn phát triển thể chế dân chủ trên lục địa chúng tôi – là đảm bảo và trấn an người dân của chúng tôi rằng các thể chế dân chủ có thể là phương tiện để giải quyết vấn đề lớn của họ - đó là phát triển kinh tế là cách làm để xóa đói giảm nghèo trên lục địa".
Bà Harris là nhân vật cấp cao nhất trong chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm châu Phi trong năm nay. Sau Ghana, bà dự định đến thăm Tanzania và Zambia. Bà trở về Washington vào ngày 2/4.
Việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc, vốn đã trở nên ăn sâu trong những năm gần đây thông qua các sáng kiến cơ sở hạ tầng, cho vay tiền và mở rộng mạng lưới viễn thông. Ví dụ, Ghana đã đạt được thỏa thuận trị giá 2 tỷ USD với một công ty Trung Quốc để phát triển đường sá và các dự án khác để đổi lấy quyền khai thác một khoáng sản quan trọng để sản xuất nhôm.
Hầu hết các sự kiện của Harris ở Ghana sẽ tập trung vào người trẻ. Dân số châu Phi có độ tuổi trung điểm là 19.
Vào ngày 27/3, bà dự định đến thăm một khu trượt băng và không gian làm việc chung có phòng thu cho các nghệ sĩ địa phương. Phu quân của bà, ông Doug Emhoff, người tháp tùng bà, sẽ có một buổi hỏi đáp với các diễn viên trong một chương trình truyền hình địa phương.
Vào buổi tối, họ sẽ dự quốc yến với tổng thống và đệ nhất phu nhân Ghana.
Vào ngày 28/3, bà Harris sẽ có bài phát biểu và thăm Lâu đài Cape Coast, nơi những người châu Phi nô lệ từng được đưa lên tàu đưa đến châu Mỹ.
Trước khi lên đường đến Tanzania vào ngày 29/3, bà Harris sẽ gặp gỡ các nữ doanh nhân và ông Emhoff sẽ tham quan một công ty sô cô la do hai chị em thành lập.