Pence cảnh báo Bắc Hàn 'chớ thách thức Mỹ'

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence (bên trái) và quyền Tổng thống Hàn quốc Hwang Kyo-ahn, tại Seoul ngày 17/4/2017.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence mạnh mẽ cảnh báo Bắc Triều Tiên hôm thứ Hai 17/4, đơn cử các cuộc không kích tại Syria và Afghanistan hồi gần đây. Ông nói Tổng thống Donald Trump sẽ sử dụng sức mạnh quân sự nếu cần, để đối phó với mối đe dọa hạt nhân đang tăng từ chính quyền của ông Kim Jong Un.

Phó Tổng thống Pence tuyên bố: "Chỉ trong hai tuần vừa qua, thế giới đã chứng kiến sức mạnh và quyết tâm của tổng thống mới của chúng tôi trong các hành động tại Syria và Afghanistan. Ông khuyến cáo Bắc Hàn chớ có thách thức quyết tâm của ông Trump.

Phó Tổng thống Mỹ đang ở thăm Hàn Quốc, bắt đầu chuyến công du bốn nước châu Á nhằm mục đích củng cố cam kết của Hoa Kỳ đối với các đồng minh trong khu vực, và xây dựng sự hỗ trợ quốc tế để gây sức ép lên chính phủ Kim Jong Un để chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Liên minh không thể lay chuyển

Trong một cuộc họp báo tại Seoul hôm thứ Hai với quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn, ông Pence nhấn mạnh đến sự hậu thuẫn "không hề lay chuyển" của Hoa Kỳ để bảo vệ đồng minh lâu năm này, toàn tâm toàn ý cùng hợp tác với Hàn Quốc để đảm bảo an ninh khu vực.

Ông Pence nói:

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến chặt chẽ với Hàn Quốc, và cùng với lãnh đạo Hàn Quốc giữa lúc chúng ta làm những quyết định để tiến tới phía trước."

Nhiều người ở Hàn Quốc ngày càng lo ngại rằng Mỹ có thể đơn phương hành động chống lại Bắc Triều Tiên, và như vậy có nguy cơ đưa khu vực vào chiến tranh.

Trong bài phát biểu của Tổng thống Hàn Quốc, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Bắc Triều Tiên, nhưng ông không nói tới một giải pháp quân sự.

Ông Hwang phát biểu:

"Chúng tôi chia sẻ với nhau nhận thức về tính nghiêm trọng và khẩn thiết của mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, và đã đồng ý tăng gấp đôi nỗ lực nhằm thay đổi các mưu tính chiến lược của Bắc Triều Tiên bằng cách thắt chặt hơn nữa mạng lưới toàn cầu gây áp lực lên Bắc Triều Tiên.”

Cũng hôm Chủ Nhật, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ H.R. McMaster có dấu hiệu muốn rút lại lời đe dọa về một cuộc tấn công quân sự đối với Bắc Triều Tiên, ít nhất là trong lúc này.

Phát biểu trên kênh truyền hình ABC, ông McMaster nói rằng:

"Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện tất cả các hành động có thể thực hiện, ngoài giải pháp quân sự, để cố gắng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. Chúng tôi đang hợp tác với các đồng minh và đối tác và với lãnh đạo Trung Quốc, để đưa ra một loạt sự lựa chọn."

Chính quyền của ông Trump đang tập trung vào việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế, có thể bao gồm lệnh cấm vận dầu, lệnh cấm toàn cầu đối với các hãng hàng không, chặn tàu chở hàng và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc đang kinh doanh với Bình Nhưỡng.

Phó Tổng thống Pence nhắc lại lời phát biểu gần đây của ông Trump, khen ngợi Trung Quốc về việc tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế kể cả cấm các chuyến tàu chở than, một trong những món hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận cao nhất cho Bắc Triều Tiên, và hủy bỏ một số chuyến bay đến Bình Nhưỡng.

Trong khi Trung Quốc ủng hộ các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm gây áp lực lên Bắc Triều Tiên phải ngồi xuống bàn đàm phán để giải trừ vũ khí hạt nhân, nhưng Trung Quốc tỏ ra miễn cưỡng, không muốn áp dụng các biện pháp mà có thể gây bất ổn ở vùng biên giới của họ hay có thể tăng quyền lực của Mỹ trong khu vực.

Phó Tổng thống Pence còn bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với tiến trình chuyển đổi dân chủ đang diễn ra ở Hàn Quốc, và bất kỳ ai đoạt được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 9/5.

Trong một cuộc tranh luận gần đây, các ứng viên tổng thống Hàn Quốc đại diện cho cả quan điểm tự do lẫn bảo thủ, đã lên tiếng chống đối giải pháp hành động đơn phương của Hoa Kỳ chống Bắc Triều Tiên. Hai ứng cử viên hàng đầu là ông Moon Jae-in thuộc Đảng Dân chủ và ông Ahn Cheol-soo thuộc Đảng Nhân dân, đều ủng hộ đối thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên để giảm căng thẳng. Lập trường này có thể đặt các ứng cử viên này vào thế đối đầu với các chính sách của Hoa Kỳ.

Trong khi hầu hết các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc ủng hộ hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, ông Moon muốn trì hoãn việc triển khai hệ thống này cho đến khi một tổng thống mới lên nắm quyền và có cơ hội xem xét lại vấn đề này cũng như giải quyết mối quan ngại về an ninh của Trung Quốc, thông qua ngoại giao và đàm phán.