Phong trào Dân quyền Mỹ qua bộ phim 'The Butler'

Forrest Whitaker và Oprah Winfrey, hai diễn viên chính trong 'The Butler.'

Trong phim “The Butler" (Người Quản Gia), nhân vật chính Cecil Gaines là một biểu tượng cho các quan hệ giữa người da đen và người da trắng trong một nước Mỹ của thập niên 1950. Đây là một câu chuyện có thật về cuộc đời một người quản gia làm việc tại Tòa Bạch Ốc qua suốt 8 đời Tổng Thống, từ năm 1952 tới năm 1986, một giai đoạn bao gồm cả cuộc chiến tranh Việt Nam.

Your browser doesn’t support HTML5

Phong trào Dân quyền Mỹ qua bộ phim 'The Butler'


Nam diễn viên Forrest Whitaker, trong vai Cecil, đã lột tả được những khía cạnh phức tạp của nhân vật chính.

Diễn viên Whitaker nói về vai ông đóng trong phim The Butler:

“Vào thời kỳ đó, có được một việc làm tại Tòa Bạch Ốc là một thành tựu lớn, đặc biệt về khía cạnh kinh tế và xã hội. Thế nhưng cũng có những người coi những người phục vụ người khác như thế là những “chú Tom giúp việc” thôi. Chúng ta có thể phục vụ người khác mà không quỳ lụy họ, không coi rẻ chính mình. Tôi tin rằng có một khác biệt rất lớn giữa hai khái niệm này.”

Cecil Gains không đấu tranh để thay đổi xã hội, nhưng vô hình chung, ông đã tác động tới những thay đổi ấy, bằng việc phục vụ 8 đời Tổng Thống Mỹ.

Bộ phim tả lại một mẫu chuyện ngắn giữa Tổng Thống Kennedy với người quản gia như sau:

Cecil: Vâng, thưa Tổng Thống?

Tổng Thống Kennedy: Tôi biết con trai của ông là một trong những người đấu tranh để đòi quyền được đối xử như người da trắng trên các phương tiện chuyên chở công cộng. Mặc dù tôi sẽ không bao giờ hiểu được những trải nghiệm mà ông và những người cùng sắc tộc phải chịu đựng, ông đã thay đổi cách suy nghĩ của tôi.

Nhưng ở nhà, ông Cecil Gains không tự tin như trong những giờ làm việc tại Tòa Bạch Ốc. Bất mãn lâu ngày vì ông làm việc bất kể giờ giấc, vợ ông, bà Gloria trở nên nghiện rượu và quay sang những thú vui không lành mạnh khác.

Đứa con trai đầu lòng của ông, Louis là một người hoạt động tích cực đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen, Louis đôi khi tỏ thái độ khinh mạn cha vì ông là người giúp việc cho người da trắng, và vì thế đôi khi hai cha con xích mích vì những lời động chạm đến tự ái của nhau.

Oprah Winfrey, nhà dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ, tỏ ra xuất sắc trong vai Gloria, vợ của người quản gia.

Oprah nói về những người da đen phải giúp việc, hay phục vụ người da trắng:

“Nghĩ đến tất cả những người, nam hay nữ, phải phục vụ người khác trong tư cách quản gia, đầu bếp hay phụ bếp, hoặc người dọn phòng, làm vệ sinh, vv... , thời điểm tôi ngộ ra sự thực là lúc tôi nhận thức được thái độ khoan hòa, ung dung của họ, thái độ cần thiết để có thể làm những công việc đó trong khi vẫn ngẩng cao đầu, để xây dựng gia đình, xây dựng cuộc sống và cộng đồng của họ. Tôi cảm thấy tự hào về họ, về người quản gia ấy và những người như ông, vào thời kỳ đó.”

Vai Mục sư Martin Luther King, nhà tranh đấu cho dân quyền nổi tiếng thế giới, là do tài tử Nelson Ellis đóng. Trong phim, mục sư King nói với Louis rằng một quản gia hay một cô giúp việc, dù thường được coi là quỳ lụy chủ, nhưng trên thực tế, họ có khả năng đánh đổ những thành kiến của những người mà họ phục vụ, đôi khi một cách không có chủ ý.

Nhân vật chính, Cecil Gains, chắc chắn đã làm được điều đó. Nhân vật chính trong Phim The Butler được dựa vào một nhân vật có thật tên Eugene Allen, người quản gia ngoài đời thực đã làm việc tại Tòa Bạch Ốc, và đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trong suốt 34 năm ông phục vụ tại đó.

Tuy nhiên, về cốt lõi bộ phim “The Butler” là một câu chuyện về nước Mỹ, như nhận định sau đây của đạo diễn Lee Daniels:

“Đây là một câu chuyện về lịch sử dân quyền cho người da đen, nhưng đồng thời cũng là một câu chuyện về người cha và đứa con trai. Câu chuyện về hai cha con vượt qua câu chuyện về khác biệt chủng tộc.”

Trong bộ phim, Đệ Nhất Phu Nhân Nancy Reagan, do Jane Fonda đóng, mời người quản gia đến dự tiệc:

“Tôi xin mời ông, không phải trong tư cách một quản gia, mà trong cương vị một vị khách.”

Biên tập viên Penelope Poulou của Đài VOA nhận định rằng phim “The Butler” có tác động hàn gắn những vết thương cũ. Mặc dù bộ phim nhắc lại cuộc đấu tranh cam go để đòi quyền bình đẳng sắc tộc, một cuộc đấu tranh chống những bất công, phim The Butler cũng nhấn mạnh tới khả năng của người Mỹ, có thể vượt khó để cải thiện xã hội trong đó họ sinh sống.