P/V Anh Nguyễn Trí Dũng, con trai blogger Điếu Cày

Nguyễn Trí Dũng, con trai blogger Điếu Cày

Sau phiên phúc thẩm hôm 28/12, hai blogger được nhiều người biết đến Điếu Cày và Tạ Phong Tần bị giữ nguyên án lần lượt là 12 và 10 năm tù. Dù phiên xử được nhà nước mô tả là công khai nhưng chính thân nhân của các bị can cũng không được phép tham dự. Con trai blogger Điếu Cày, anh Nguyễn Trí Dũng, thuật lại vụ anh bị hành hung và bắt giữ ngay trong ngày phiên phúc thẩm bố anh diễn ra:



Nguyễn Trí Dũng: Em vừa bước chân ra khỏi cổng nhà, ba người đứng trên lầu 3 hú xuống hơn 20 người bên dưới, họ đóng cửa của chung cư lại để cho xe công an đã đậu sẵn bên trong chung cư bắt em ngay tại cổng.

VOA: Họ ra tay bắt ngay không giải thích lý do trong khi anh có quyền tự do đi lại, không nằm trong đối tượng phạm tội?

Nguyễn Trí Dũng: Họ làm như những người điếc, không cần nghe lý do và không cần nói bất kỳ lý do nào hết. Lần trước khi phiên sơ thẩm diễn ra họ còn đưa lý do dù ngớ ngẩn như: ‘Sao mặc đồ đen? Lên phường giải quyết!’ Còn hôm nay họ không đưa ra lý do nào cả. Họ xông vào ngay lập tức. Mẹ em sợ họ đánh em, nên mẹ em nhảy vào. Họ dùng những người rất to con để mà họ đánh. Họ rất đông cho nên em không thể nào…chỉ mười phút sau họ đã nhét em vào trong xe.

VOA: Như vậy đã xảy ra xô xát?

Nguyễn Trí Dũng: Đã xảy ra xô xát.

VOA: Họ đưa anh về đâu và giữ anh bao lâu?

Nguyễn Trí Dũng: Họ chạy về phường 6, quận 3. Họ giữ em trong đúng cái phòng mà họ đã giữ em trong ngày sơ thẩm (xử blogger Điếu Cày). Họ giữ em từ 7:30 sáng đến sau khi phiên phúc thẩm chấm dứt mới thả ra.

VOA: Trong suốt thời gian họ giữ và làm việc với anh, họ có nêu ra các vấn đề gì không?

Nguyễn Trí Dũng: Họ không cần làm việc gì hết. Họ vào đưa giấy ra trước mặt bảo em tường trình lại những gì đã xảy ra. Em hỏi họ tường trình việc gì trong khi em là người bị họ bắt lên đây mà không biết lý do tại sao. Em được họ trả lời là em làm một việc gì đó mới bị bắt. Họ bảo bây giờ em bị đánh đập hay có thắc mắc gì cứ việc ghi vô giấy. Em trả lời là em không làm bất cứ giấy tờ gì hết vì ở đây em không nghe được lý do tại sao em bị bắt. Họ bỏ ra ngoài. Đích thân ông Trần Song Nam hai lần vào yêu cầu em làm biên bản. Sau đó, họ để em lại với 2 dân phòng ngồi trông em suốt từ lúc đó đến lúc em đi về. Em hỏi lý do liên tục, nhưng họ không trả lời. Họ không nghe và không trả lời bất cứ điều gì hết. Hay hơn nữa là việc họ cho dân phòng và xe công an phường tới bắt em, nhưng khi vào đồn công an phường thì họ lại bảo là họ không biết. Đó là cách từ trước giờ họ vẫn dùng để tránh trách nhiệm trả lời lý do tại sao bắt. Bây giờ em thật sự thất vọng vô cùng. Mặc dù bản án này không ngoài dự tính, nhưng thật sự em và mẹ vẫn hy vọng rằng sẽ có điều gì đó sẽ thay đổi thậm chí không phải trong bản án mà trong cách họ đối xử với người dân. Trước đây, họ đạp xe em ngoài đường họ còn đưa lý do là em chạy xe ẩu hay khi họ bắt em thì lấy lý do là em mặc áo thun màu đen. Bây giờ thì họ không đưa ra lý do gì hết. Dù không có hy vọng nhiều nhưng theo trình tự pháp lý, em và mẹ và những người bạn giúp đỡ sẽ tiếp tục khiếu nại như lên Giám đốc thẩm hoặc cao hơn nữa.

VOA: Trường hợp của blogger Điếu Cày được thế giới quan tâm, Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ, Liên hiệp quốc, Liên hiệp Châu Âu nhắc tới, một trường hợp rất nổi bật. Trước sự lên tiếng đó và những gì trong thực tại đang diễn ra và cách đối phó của Việt Nam, anh có thấy áp lực quốc tế có tác động gì chăng?

Nguyễn Trí Dũng: Em thấy nỗi sợ của họ đối với quốc tế so với nỗi sợ đối với người dân vạch trần bộ mặt của họ. Cho nên, họ phải quyết định hoặc chọn giữ lấy bộ mặt của họ hoặc vạch bộ mặt thật ra để làm hài lòng quốc tế. Áp lực quốc tế đối với nhà cầm quyền Việt Nam, em thấy hoàn toàn không có tác động gì. Bản thân em và mẹ rất tự hào, rất vui khi thấy sự quan tâm như vậy đối với bố em. Nhưng đối với phía nhà cầm quyền này, thậm chí họ còn đối xử với em và gia đình em càng lúc càng tệ hơn và lộ liễu hơn nữa, chứng tỏ là họ vừa không rút kinh nghiệm mà lấy sai lầm để sửa chữa sai lầm đã vấp. Họ càng lúc càng tăng sự sai lầm đó lên.

VOA: Cảm ơn anh Dũng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

http://www.youtube.com/embed/BoR02cDw_Ik