Phóng viên, tác giả nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam Neil Sheehan qua đời

Neil Sheehan (trái) tại một cuộc thảo luận hồi tháng 2/1972 về Hồ sơ Lầu Năm Góc

Neil Sheehan, phóng viên và tác giả từng đoạt giải Pulitzer, người làm cho New York Times trở thành tờ báo đầu tiên đưa tin về Hồ sơ Lầu Năm Góc và cũng là người viết cuốn sách động trời về những dối trá ở ngay tâm điểm của Chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời hôm thứ Năm 7/1/2021, thọ 84 tuổi.

Ông Sheehan mất vì biến chứng của bệnh Parkinson, con gái ông, Catherine Sheehan Bruno, cho biết.

Ông đã dành 15 năm để viết cuốn sách về Chiến tranh Việt Nam có tên “Lời nói dối sáng lòa: John Paul Vann và nước Mỹ ở Việt Nam”. Cuốn sách xuất bản năm 1988 đã giành được giải thưởng Pulitzer cho thể loại phi hư cấu.

Ông Sheehan từng là phóng viên chiến trường của United Press International (UPI) và sau đó là New York Times trong những ngày đầu Hoa Kỳ dính líu vào Chiến tranh Việt Nam hồi những năm 1960. Chính ở đó, ông bắt đầu bị lôi cuốn vào “cuộc chiến vô vọng đầu tiên của chúng ta”, theo cách gọi của ông, là cuộc chiến mà “mọi người chết vô tích sự”.

Là cây bút ở tầm quốc gia của tờ New York Times (NYT) và thường trú ở thủ đô Washington, ông Sheehan là người đầu tiên thu thập được Hồ sơ Lầu Năm Góc, một bộ tài liệu đồ sộ về sự can dự của Hoa Kỳ vào Việt Nam được soạn thảo theo lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ông Daniel Ellsberg, một cựu cố vấn của Bộ Quốc phòng, người trước đó đã tuồn ra các tài liệu khác liên quan đến Việt Nam cho Sheehan, đã cho ông Sheehan xem Hồ sơ Lầu Năm Góc.

Các phóng sự của NYT, bắt đầu đăng vào tháng 6/1971, phơi bày những dối trá tràn lan của chính phủ Mỹ khi nói về triển vọng chiến thắng. Ngay sau đó, Washington Post cũng bắt đầu đăng các bài về Hồ sơ Lầu Năm Góc.

Các tài liệu đã soi từng chi tiết về các quyết định và chiến lược của cuộc chiến. Và chúng cho thấy các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự hàng đầu đã đều đặn tăng sự can dự lên ra sao, đó là những người quá tự tin về triển vọng của Hoa Kỳ và lừa dối về những thành tích chống lại Bắc Việt.

Không đâu, Dan, tôi không ăn cắp. Và anh cũng vậy. Những tài liệu đó là tài sản của nhân dân Mỹ ... và họ có quyền được biết.
Ông Neil Sheehan


Ông Sheehan tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với NYT, và tới hôm 7/1/2021 mới xuất hiện lần đầu vì ông Sheehan yêu cầu không công bố cho đến sau khi ông qua đời, rằng Ellsberg đã không đưa cho ông Hồ sơ Lầu Năm Góc như nhiều người nghĩ. Thật ta, ông đã lừa dối nguồn tin của mình và lấy chúng đi sau khi Ellsberg nói với ông rằng ông có thể xem các tài liệu đó chứ không được mang đi.

"Thực sự khá tức giận" bởi nội dung mà bộ tài liệu tiết lộ, ông Sheehan quyết định "rằng tài liệu này sẽ không bao giờ được cất trở lại trong két sắt của chính phủ nữa".

Ông Sheehan đã lén lút lấy các tài liệu ra khỏi căn hộ ở Massachusetts, nơi Ellsberg đã cất giữ chúng, và sao chép bất hợp pháp hàng nghìn trang và đưa chúng đến NYT.

Ngay sau khi những phóng sự mở đầu được đăng, chính quyền của Tổng thống Nixon ban hành lệnh nói rằng an ninh quốc gia bị đe dọa, và việc đăng bài bị dừng lại. Hành động này làm nổ ra cuộc tranh luận sôi nổi về Tu chính án thứ nhất, vấn đề nhanh chóng được chuyển lên Tòa án Tối cao. Vào ngày 30/6/1971, tòa phán quyết với tỉ lệ phiếu 6-3 ủng hộ việc cho phép đăng bài, và hai tờ New York Times, Washington Post tiếp tục đăng các câu chuyện của họ.

Loạt bài này của NYT giành được giải thưởng Pulitzer về phục vụ công chúng.

Chính quyền Nixon cố làm mất uy tín của ông Ellsberg sau khi bộ tài liệu được công bố. Một số phụ tá của Tổng thống Richard Nixon cố đột nhập vào văn phòng bác sĩ tâm thần của ông Ellsberg ở Beverly Hills để tìm thông tin có thể làm mất uy tín của ông.

Khi hai ông Sheehan và Ellsberg tình cờ gặp nhau ở Manhattan vào năm 1971, Ellsberg buộc tội Sheehan ăn cắp tài liệu, mà thực ra đúng là như vậy.

Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 7/1/2021, ông Sheehan kể lại ông đã nói: “Không đâu, Dan, tôi không ăn cắp. Và anh cũng vậy. Những tài liệu đó là tài sản của nhân dân Mỹ. Họ đã chi trả cho chúng bằng ngân khố quốc gia của họ và xương máu của các con trai của họ, và họ có quyền được biết".

Vì làm rò rỉ Hồ sơ Lầu Năm Góc, ông Ellsberg bị buộc tội trộm cắp, âm mưu và vi phạm Đạo luật Gián điệp, nhưng vụ án của ông khép lại với kết luận là trình tự pháp lý đã sai khi xuất hiện bằng chứng cho thấy đã xảy ra nghe lén và đột nhập theo lệnh của chính phủ.

Ông Neil Sheehan khi 52 tuổi (năm 1988), tại lễ nhận một giải thưởng về sách.

Sau khi các bài về Hồ sơ Lầu Năm Góc được đăng, ông Sheehan ngày càng muốn cố nắm bản chất của cuộc chiến phức tạp và đầy mâu thuẫn, vì vậy ông bắt đầu viết sách.

“Mong muốn của tôi là cuốn sách sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc chiến”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn năm 1988 được phát sóng trên C-SPAN. "Việt Nam sẽ chỉ là một cuộc chiến tranh vô ích nếu từ đó chúng ta không rút ra được bài học khôn ngoan nào".

Ở tâm điểm trong câu chuyện của mình, ông Sheehan sử dụng nhân vật điển hình là John Paul Vann, một trung tá lục quân có nhiều sức hút, người từng là cố vấn cấp cao cho quân đội miền Nam Việt Nam vào đầu những năm 1960, hồi hưu khỏi Lục quân với sự thất vọng, sau đó trở lại Việt Nam và tái tham gia vào cuộc chiến, lúc này với tư cách nhân viên dân sự giúp đỡ thực hiện các hoạt động trực tiếp.

Vann tin rằng Hoa Kỳ lẽ ra có thể thắng trong cuộc chiến nếu họ có những quyết định tốt hơn. Đối với Sheehan, Vann đã nhân cách hóa niềm tự hào, thái độ tự tin và ý chí quyết liệt của Hoa Kỳ để giành chiến thắng trong cuộc chiến - những phẩm chất làm mờ đi sự phán xét của một số người về việc liệu có thể thắng được cuộc chiến hay không.

Mong muốn của tôi là cuốn sách sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về cuộc chiến. Việt Nam sẽ chỉ là một cuộc chiến tranh vô ích nếu từ đó chúng ta không rút ra được bài học khôn ngoan nào.
Ông Neil Sheehan


Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam, nói với khán giả tại buổi chiếu một phim tài liệu về Việt Nam năm 2017 rằng ông không hiểu hết vì sao người ta tức giận về cuộc chiến tranh cho đến khi ông đọc cuốn “Lời nói dối sáng lòa”. Cuốn sách cho ông thấy rằng từ thấp đến cao trong bộ máy, “mọi người chỉ nhăm nhăm nạp vào các thông tin ảo diệu và nhiều người mất mạng vì dựa trên những lời nói dối và những thông tin bị bóp méo đó”, theo một bài tường thuật của NYT.

Neil Sheehan sinh ngày 27/10/1936 tại Holyoke, Massachusetts, và lớn lên trong một trang trại bò sữa. Ông tốt nghiệp trường Harvard, và là một nhà báo của Lục quân Mỹ trước khi gia nhập UPI.

Sau khi Sheehan rời Việt Nam, ông làm việc cho tờ New York Times ở thủ đô Washington với tư cách là phóng viên chuyên trách về Lầu Năm Góc và sau đó là về Nhà Trắng, trước khi rời tờ báo để viết sách.

Ông và vợ, bà Susan, một cây viết của tờ The New Yorker, và về sau bà cũng đoạt giải Pulitzer, đôi khi phải chật vật mới kiếm đủ tiền trả các hóa đơn của gia đình trong khi ông tập trung viết sách. Ông phải kết hợp các khoản học bổng và những khoản tiền tạm ứng từ nhà xuất bản để sống qua ngày.

Một khi Sheehan khởi động dự án án, là người đầy đam mê và có mục đích, ông nhận thấy nó chiếm lấy hầu hết cuộc sống của ông.

“Đúng ra là tôi bị mắc kẹt vào trong đó hơn là tôi bị ám ảnh về nó”, ông nói với The Harvard Crimson vào năm 2008. “Tôi cảm thấy rất rõ khi bị mắc kẹt”.

Ông Sheehan đã viết một số cuốn sách khác về Việt Nam, nhưng không cuốn nào bằng cuốn sách đầy tham vọng “Lời nói dối sáng lòa”. Ông cũng viết cuốn “Một nền hòa bình rực lửa trong Chiến tranh Lạnh” nói về những người phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Ông Neil và bà Susan Sheehan có hai con gái, Catherine Bruno và Maria Gregory Sheehan, cả hai đều là người Washington, và ông bà có hai cháu trai, Nicholas Sheehan Bruno, 13 tuổi và Andrew Phillip Bruno, 11 tuổi.