Điều gì sẽ khiến người phụ nữ Việt Nam khác biệt với phụ nữ thế giới?
Những câu hỏi như thế đã trở nên quen thuộc trong các cuộc thi sắc đẹp, và các câu trả lời cũng quanh đi quẩn lại ở những tính từ như “hy sinh”, “bao dung”, “đảm đang”. Từ tấm bé, các bé gái Việt đã được dạy dỗ và lớn lên cùng 4 chữ “công-dung-ngôn-hạnh”, tức là khi lớn lên các em cần phải khéo léo trong công việc, có vẻ đẹp hình thức, lời ăn tiếng nói dịu dàng và là một người nết na đức hạnh. Chưa hết, giá trị của người phụ nữ cũng được thể hiện qua “tam tòng” – tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tất cả những nhẫn nhịn, dịu dàng đó đều hàm ý hướng tới những người đàn ông trong cuộc sống của người phụ nữ. Những năm gần đây, từ điển của các chị em bắt đầu xuất hiện thêm 2 cụm từ “nữ quyền” và “bình đẳng giới”.
Đây thực tế là một điều đáng mừng. Khi mà một số nước châu Á như khu vực Trung Đông vẫn đang khắt khe với cuộc sống của người phụ nữ, thì Việt Nam đã rục rịch phổ cập quyền bình đẳng. Nữ quyền có thể định nghĩa nôm na là các quyền lợi bình đẳng dành cho phái nữ trong các vấn đề như bầu cử, giáo dục, công việc, tài sản, hôn nhân…Một phụ nữ được coi là bình đẳng khi có thể chọn lựa và tự ra quyết định cho cuộc sống của mình cũng như có đóng góp tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, những đức tính kia từ xưa là vẻ đẹp truyền thống cùng với phong trào nữ quyền đang dậy sóng ở Việt Nam cộng hưởng tạo nên một bức tranh hỗn loạn phác họa về người phụ nữ Việt.
Phong trào nữ quyền bắt đầu trở thành vấn đề toàn cầu với những cuộc đình công của lao động nữ tại thành phố New York từ thế kỷ 19. Tại Đan Mạch, ngày 8/3 chính thức được đưa ra làm Ngày Quốc tế phụ nữ những năm đầu thế kỷ 20. Đây cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của phụ nữ và cho đến nay, công dân nữ tại đất nước này vẫn luôn được tôn trọng hết mực. Nếu trên thế giới, phụ nữ thể hiện nữ quyền bằng cách đứng lên để bảo vệ cho phụ nữ tại đất nước của họ cũng như phụ nữ toàn cầu thì ở Việt Nam, phụ nữ thể hiện sự bình đẳng bằng cách chống đối lẫn nhau.
Gần đây, cộng đồng mạng được dịp xôn xao vì mạng xã hội xuất hiện trang “Thánh Cô Cô Bóc”, người viết chuyên đi bóc mẽ chuyện kín đáo riêng tư của các ngôi sao ca nhạc, người mẫu Việt nổi tiếng bởi xích mích cá nhân. Những bài viết của “vị thánh” giấu tên đều lên tới vài chục ngàn lượt share và like. Các tên tuổi thành công như ca sĩ Hồ Ngọc Hà hay nghệ sĩ múa Linh Nga với câu chuyện “giật chồng người ta” hư hư thực thực bị đưa ra mổ xẻ không thương tiếc. Điều đáng nói đó là tác giả tung ra những tin đồn đó được các chị em “net citizen” tung hê hết lời. Họ dùng những thông tin gây choáng váng nhất, chấn động nhất, bình luận với những lời lẽ miệt thị dè bỉu nhất về một phụ nữ không quen biết, không liên quan đến đời sống của mình. Hiển nhiên, trong hàng ngàn những lời nói ấy, không một ý kiến nào trách móc nhân vật người chồng. Nguồn cơn của mọi sự tan vỡ bị quy cả về người phụ nữ vô đạo đức, vô nhân phẩm. Câu chuyện xôn xao của xã hội ảo kia rồi cũng chìm nghỉm, chỉ để lại ấn tượng khó quên về một cuộc chiến gay gắt đến khó hiểu của những người đàn bà với nhau.
Tương tự, nếu ai quan tâm đến nữ quyền, không thể không biết đến nhà văn Trang Hạ, người luôn khích lệ động viên phụ nữ tự chủ trong cuộc sống của mình. Tuy nhiên, cách Trang Hạ động viên cũng không hề nhẹ nhàng dễ nghe; nhà văn trẻ này sẵn sàng vạch ra những thói quen, suy nghĩ cổ hủ không tốt nhưng rất khó nhận ra của phần lớn các cô gái Việt qua nhiều câu chuyện giản dị đời thường. Chính vì vậy, những bài viết “mất lòng” của Trang Hạ cũng ngay lập tức bị nhiều phụ nữ nhảy vào công kích. Trên mạng xã hội, những video đánh ghen hay hình ảnh không che mặt của các cô gái bán dâm, cũng được các chị em đăng tải hàng loạt kèm theo những lời miệt thị nặng nề nhất. Họ đùa cợt, bóc mẽ lẫn nhau, chà đạp nhân phẩm của nhau, rồi từ đó cho rằng những hành động này đang góp phần vào phong trào nữ quyền thế giới, xóa bỏ những vết nhơ trong cuộc sống phụ nữ văn minh nói chung.
Có một sự mâu thuẫn lớn khi phụ nữ Việt liên tục dựa hơi hai chữ “nữ quyền” như một tấm màn che để công kích, để giảm bớt trách nhiệm hoặc để giành được lợi ích cá nhân, đồng thời sẵn sàng lên mặt khi người khác đụng chạm đến bản thân. Nhận thức của mọi người về phong trào nữ quyền và bình đẳng giới mới chỉ là bề mặt nông cạn khi tất cả những gì được biết đến đều là qua sách báo. Nữ quyền không chỉ đơn giản là một tính từ để thể hiện cá tính. Đây là một cuộc đấu tranh bình đẳng. Tại sao phụ nữ chúng ta lại thể hiện quyền lực lên chính những người cùng phái, đều chịu những áp lực cuộc sống và nhiều áp đặt vô lý của xã hội? Nếu không thể thấu hiểu, thương yêu và tôn trọng cuộc sống của một người giống mình, làm sao có thể yêu cầu xã hội bình đẳng với chính bản thân?
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.