Các thanh sát viên từ cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc tìm thấy các hạt phân tử uranium được làm giàu tới 83,7% tại cơ sở hạt nhân Fordo dưới lòng đất của Iran, một phúc trình được hãng tin AP nhìn thấy ngày 28/2.
Phúc trình hàng quý bí mật của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế IAEA có trụ sở tại Vienna được phân phối cho các quốc gia thành viên có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và phương Tây về chương trình của họ. Đó là ngay cả khi Tehran đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn nội bộ sau nhiều tháng biểu tình và sự tức giận của phương Tây về việc nước này gửi máy bay không người lái mang bom tới Nga trong cuộc chiến với Ukraine.
Phúc trình của IAEA chỉ đề cập đến “các hạt phân tử”, gợi ý rằng Iran không xây dựng kho dự trữ uranium được làm giàu trên 60% - mức mà nước này đã làm giàu trong một thời gian.
Phúc trình của IAEA mô tả các thanh sát viên phát hiện vào ngày 21/1 rằng hai tầng máy ly tâm IR-6 tại cơ sở Fordo của Iran đã được cấu hình theo cách “khác biệt đáng kể” so với những gì đã được tuyên bố trước đó. IAEA đã lấy mẫu vào ngày hôm sau, cho thấy các hạt phân tử có độ tinh khiết lên tới 83,7%, phúc trình cho biết.
Phúc trình của IAEA viết: “Iran đã thông báo với cơ quan rằng ‘những dao động ngoài ý muốn’ về mức độ làm giàu có thể đã xảy ra trong giai đoạn chuyển tiếp. “Các cuộc thảo luận giữa cơ quan IAEA và Iran để làm rõ vấn đề đang diễn ra.”
Phái đoàn của Iran tại Liên hiệp quốc đã không trả lời ngay các câu hỏi liên quan đến phúc trình. Chi tiết về phúc trình đã được lưu hành trong khoảng một tuần. Phúc trình của IAEA cho biết họ sẽ “tăng cường hơn nữa tần suất và cường độ của các hoạt động kiểm chứng của cơ quan” tại Fordo sau phát hiện vừa rồi.
Phát ngôn viên chương trình hạt nhân dân sự của Iran, Behrouz Kamalvandi, tuần trước đã tìm cách mô tả bất kỳ phát hiện nào về các hạt phân tử uranium được làm giàu đến mức đó là tác dụng phụ nhất thời của việc cố gắng đạt được thành phẩm có độ tinh khiết 60%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng sự khác biệt lớn như vậy về độ tinh khiết ngay cả ở cấp độ nguyên tử sẽ khiến các thanh sát viên nghi ngờ.
Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran đã giới hạn kho dự trữ uranium của Tehran ở mức 300 kg và độ làm giàu ở mức 3,67% - đủ để cung cấp nhiên liệu cho một nhà máy điện hạt nhân. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi hiệp định vào năm 2018 đã dẫn đến một loạt các cuộc tấn công và leo thang của Tehran đối với chương trình của họ.
Iran đã và đang sản xuất uranium được làm giàu tới độ tinh khiết 60% - mức độ mà các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân đã nói rằng Tehran không sử dụng cho mục đích dân sự. Phúc trình của IAEA cho biết kho dự trữ uranium của Iran tính đến ngày 12/2 năm ngoái ở mức khoảng 3.760 kg - tăng 87,1 kg kể từ phúc trình hàng quý trước đó vào tháng 11. Trong số đó, 87,5 kg được làm giàu tới 60% độ tinh khiết.
Uranium tới gần mức 84% là hầu như ở cấp độ vũ khí - có nghĩa là bất kỳ kho nào dự trữ vật liệu đó cũng có thể nhanh chóng được sử dụng để sản xuất bom nguyên tử nếu Iran chọn.
Trong khi tổng giám đốc của IAEA đã cảnh báo rằng Iran hiện có đủ uranium để sản xuất “một vài” quả bom hạt nhân nếu họ muốn, thì có thể sẽ mất thêm nhiều tháng nữa để chế tạo vũ khí và có khả năng thu nhỏ nó để đưa vào phi đạn. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, gần đây nhất là vào cuối tuần vừa qua, đã duy trì đánh giá rằng Iran không theo đuổi bom nguyên tử.
Nhưng Fordo, nằm dưới một ngọn núi gần thành phố Qom linh thiêng của người Shiite, cách thủ đô Tehran khoảng 90 km về phía tây nam, vẫn là mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Nhà máy Fordo có kích thước bằng một sân bóng đá, đủ lớn để chứa 3.000 máy ly tâm, nhưng nhỏ và kiên cố khiến các quan chức Mỹ nghi ngờ nó có mục đích quân sự khi họ công khai địa điểm này vào năm 2009.
Tuy nhiên, bất kỳ lời giải thích nào từ Iran có thể sẽ không đủ để làm hài lòng Israel, đối thủ không đội trời chung của Iran trong khu vực. Hiện tại, Thủ tướng mới được tái bổ nhiệm của Israel, Benjamin Netanyahu, đã đe dọa các hành động quân sự chống lại Tehran. Israel và Iran đã tham gia vào một cuộc chiến ngầm có nguy cơ cao trên khắp Trung Đông kể từ khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ.
Trong khi đó ngày 28/2, Ngoại trưởng Đức cho biết Đức và Israel đều lo lắng về những cáo buộc về uranium được làm giàu gần 84% của Iran.
Phát biểu tại Berlin, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen đã chỉ ra hai lựa chọn để đối phó với Iran - sử dụng cái gọi là cơ chế “chế tài đơn phương” trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an về thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để tái áp đặt các chế tài của Liên hiệp quốc và “cũng có giải pháp quân sự tin cậy để cứu xét.”