Pháp hôm 24/10 nói họ có thể áp đặt cấm vận lên Ả Rập Saudi nếu các cơ quan tình báo của họ phát hiện được vương quốc này đứng sau vụ sát hại Jamal Khashoggi ngay cả khi Paris đang tìm cách giữ mối quan hệ chiến lược và quan hệ kinh tế quan trọng với Riyadh.
Cho đến nay, phản ứng của Pháp trong vụ nhà báo Khashoggi là tương đối cẩn trọng do Paris muốn giữ ảnh hưởng với Riyadh và bảo vệ các quan hệ làm ăn trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính và vũ khí.
“Chừng nào mà sự việc chưa được rõ ràng và chưa được các cơ quan thông tin của chúng tôi xác minh thì chúng tôi sẽ không đưa ra bất cứ quyết định nào,” ông Benjamin Griveaux, phát ngôn nhân chính phủ Pháp nói.
“Mặt khác, một khi sự việc đã được đưa ra ánh sáng và được các cơ quan tình báo của chúng tôi chứng minh, dựa trên giả thiết rằng trách nhiệm của Ả Rập Saudi được chứng tỏ thì khi đó chúng tôi sẽ đưa ra kết luận cần thiết và sẽ áp đặt các lệnh cấm vận phù hợp,” ông nói thêm.
Bất cứ bước đi nào của Pháp không chỉ bao gồm cấm vận buôn bán vũ khí, ông cho biết nhưng không nói rõ thêm.
Trước đó, một nguồn tin Phủ Tổng thống Pháp cho biết sẽ không có ‘quyết định vội vã’.
Trong khi đó, các đồng minh phương Tây khác của Ả Rập Saudi đều đã lên tiếng. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 24/10 nói rằng Thái tử Mohammed bin Salman có khả năng là người đứng sau vụ việc. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gọi vụ sát hại Khashoggi là ‘sự ghê tởm’ và cam kết sẽ ngưng xuất khẩu vũ khí Đức cho Ả Rập Saudi. Anh, cũng là nhà cung cấp vũ khí chính cho vương quốc như Pháp, đã nói rằng lời giải thích của Riyadh rằng ông Khashoggi chết sau một cuộc ẩu đả ở lãnh sự quán Ả Rập Saudi ở Istanbul là ‘không đáng tin’. Thủ tướng Theresa May nói rằng nước Anh sẽ không cho tất cả các nghi can trong vụ việc này vào Anh.
Một quan chức ngoại giao cấp cao giấu tên của Pháp nói với Reuters rằng Tổng thống Emmanuel Macron hết sức dè dặt do ông theo đuổi chính sách công khai lâu nay là không đứng về bên nào giữa Ả Rập Saudi dòng Sunni và Iran theo dòng Shi’ite.
“Chúng tôi có quan hệ đối tác quan trọng,” nhà ngoại giao này nói. “Mặc dù chúng tôi không bao giờ xem Ả Rập Saudi là một nước có nhân quyền, nhưng vụ việc này là nghiêm trọng. Nó không thể bị bỏ qua. Sẽ có hậu quả, nhưng chúng tôi cần phải cẩn trọng.”
Kể từ khi bước vào Điện Elysee hồi năm ngoái, Tổng thống Macron hầu như bỏ ngoài tai những lời phản đối Pháp bán vũ khí cho Ả Rập Saudi mà ông xem là quan trọng để tạo ra việc làm và đối với quan hệ chiến lược của Pháp trong khu vực.
Trong thời gian từ năm 2008 cho đến 2017, Ả Rập Saudi là khách hàng mua vũ khí Pháp lớn thứ hai với các thương vụ lên đến 11 tỷ euro, tương đương gần 13 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 1,5 tỷ euro chỉ tính riêng năm ngoái.
Trong một động thái thể hiện lợi ích kinh tế của Pháp trong khu vực, lãnh đạo tập đoàn dầu khí Total đã đến dự hội nghị đầu tư ở Riyadh trong khi hội nghị này đã bị nhiều lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây tẩy chay sau vụ sát hại Khashoggi.
Ông Macron xem Riyadh có vai trò quan trọng trong việc đem đến một thỏa thuận hòa bình với Iran có quy mô toàn khu vực cũng như là một đồng minh trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo từ Trung Đông cho đến Tây Phi và là một bức tường thành ngăn chặn tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.